Để hỗ trợ nền công nghiệp ô tô nội địa còn non yếu, Chính phủ đã ban hành nghị định 116/2017/NĐ-CP với những yêu cầu khắt khe hơn trong hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.

Thực tế, nguồn cung xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) đã sụt giảm 6% trong năm 2018, trong khi doanh số xe lắp ráp trong nước (CKD) tăng 11%.

Qua năm 2019, các nước xuất khẩu ô tô đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 116. Do đó, nguồn cung xe CBU tăng mạnh 118% trong 10 tháng đầu năm.

Cụ thể, số lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu từ hai nước Thái Lan và Indonesia tăng 88% (đạt 68.957 chiếc) và 287% (39.911 chiếc). Ngược lại, doanh số xe CKD sụt giảm 12%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 15%, tổng doanh số bán hàng là 246.624 chiếc.

n hàng là 246.624 chiếc

Năm 2020, dự báo nhu cầu ô tô sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, giá bán sẽ giảm do áp lực thanh lý hàng tồn kho trong năm cũ cùng áp lực cạnh tranh vẫn tiếp diễn như thời gian qua.

Trong ba yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường bán lẻ ô tô, đầu tiên phải kể đến tầng lớp người có thu nhập cao đang tăng nhanh tại Việt Nam. Cụ thể, theo Boston Consulting Group, tỷ lệ tăng trưởng CAGR của cộng đồng người thu nhập cao đang ở mức 29% cho giai đoạn 2012 – 2020.

Trong năm 2012, cả nước có 2,6 triệu người giàu và dự kiến số lượng người giàu sẽ tăng lên 10,2 triệu người vào năm 2020.

Dân số giàu vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng ở mức cao khi GDP Việt Nam được dự báo sẽ tăng đều 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030.

n hàng là 246.624 chiếc

Yếu tố thứ hai hỗ trợ cho thị trường bán lẻ ô tô là hạ tầng giao thông phát triển mạnh. Đầu năm 2019, cả nước có 950 km đường cao tốc được đưa vào sử dụng và Chính phủ kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đoạn đường cao tốc khác sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Yếu tố thứ ba, so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ người dân sở hữu xe ô tô ở Việt Nam hiện rất thấp. Cụ thể, trung bình 1.000 người Việt Nam chỉ sở hữu 23 chiếc xe ô tô, trong khi số xe sở hữu bởi 1.000 người tại Thái Lan, Indonesia và Philippines lần lượt là 226, 87 và 38. Do đó, ngành bán lẻ ô tô trong nước còn rất nhiều cơ hội để phát triển.

Năm 2020, dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam ngày càng nhiều kể từ thời điểm Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực. Hiện tại, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các quốc gia Đông Nam Á vào Việt Nam giảm về mức 0% kể từ năm 2018.

Thuế nhập khẩu giảm dẫn đến giá bán giảm, nhu cầu mua xe nhập khẩu của người dân tăng mạnh. Dự báo, năm 2020 nguồn cung xe từ Thái Lan, Indonesia và Philippines vẫn tiếp tục đà tăng mạnh của năm 2019.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nhiều khả năng chính thức có hiệu lực từ năm 2020, sẽ làm giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước EU.

Cụ thể, hiện tại xe nguyên chiếc nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam đang chịu thuế suất 70%, mức thuế suất này sẽ giảm theo lộ trình cam kết trong vòng 7 – 10 năm để về 0%. Do vậy, nguồn cung xe ô tô có xuất xứ từ châu Âu dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Bên cạnh nguồn cung từ nhập khẩu, nguồn cung ô tô lắp ráp trong nước cũng sẽ tăng mạnh trong các năm 2020 khi các công ty quốc nội đồng loạt mở rộng quy mô sản xuất.

Cụ thể, Công ty ô tô Trường Hải đã nâng công suất nhà máy KIA từ 20.000 xe lên 50.000 xe/năm, TC Motor cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô mới trong năm 2020, với công suất 100.000 xe/năm. Ngoài ra, cả Công ty Ford Việt Nam và Vinfast đều sẽ tăng công suất các nhà máy nhằm tăng sản lượng sản xuất và mở rộng thị trường.

Áp lực từ nguồn cung mới và lượng hàng tồn kho cao của năm 2019 khiến cho cạnh tranh ngành ngày càng lớn. Các công ty ô tô buộc phải giảm giá để thu hút khách hàng.

Bên cạnh đó, năm 2020 sẽ có nhiều chính sách mới của Chính phủ hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, giúp cho giá bán nhiều khả năng sẽ giảm. Cụ thể, hiện đang có đề xuất về việc khi ô tô được lắp ráp trong nước sẽ được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với các linh kiện sản xuất trong nước. Đồng thời, mức thuế 0% của linh kiện ô tô nhập khẩu cũng sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất ô tô.

Theo Infornet