THCL Các nhãn hiệu xe đạp điện NK đang thao túng thị trường, trong đó hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu chiếm số lượng không nhỏ. Tình trạng này, không chỉ gây nguy hiểm cho người sử dụng, mà còn khiến quyền lợi NTD không được bảo đảm.

Tràn lan xe đạp điện lậu

Xe đạp điện tại thị trường Việt Nam gồm 2 nguồn: xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe NK.

Theo Tổng cục Cảnh sát (Bộ CA), thời gian qua, do nhu cầu tiêu thụ xe đạp điện trong nước tăng cao, nhiều công ty, cơ sở sản xuất, lắp ráp xe đạp điện đã NK linh kiện giá rẻ từ Trung Quốc về để tự sản xuất, lắp ráp để bán ra thị trường… Đáng lưu ý, phần lớn các công ty, cơ sở sản xuất, lắp ráp, buôn bán hoạt động không đủ các điều kiện theo quy định của Nhà nước như sản xuất không có GCN chất lượng an toàn kỹ thuật do Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cấp; vi phạm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ linh kiện, phụ tùng lắp ráp…

Cuối năm 2015, Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) kiểm tra làm rõ. Ngay sau đó, C74 đã lập kế hoạch phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và chi cục QLTT Hà Nội, Nam Định, Thái Bình tiến hành đợt tổng kiểm tra.

Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện các công ty, cơ sở sản xuất có các hành vi vi phạm không có GCN chất lượng an toàn kỹ thuật do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp trong việc sản xuất, lắp ráp hoàn thiện 6.987 xe đạp điện, xe máy điện để chuẩn bị lưu thông trên thị trường; sản phẩm không có tem, phiếu chứng nhận hợp quy khi lắp ráp, xuất xưởng, bày bán; kinh doanh không đúng địa điểm đăng ký trên giấy phép kinh doanh; sản phẩm hàng hóa nhập lậu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Sau khi kiểm tra, C74 và các lực lượng đã thống nhất lập biên bản vi phạm, đồng thời yêu cầu các công ty và các cửa hàng dừng ngay việc lưu thông đối với các sản phẩm xe đạp điện, xe máy điện chưa được cấp GCN hợp quy, các sản phẩm nhập lậu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh xe đạp điện vẫn tràn lan sản phẩm không đáp ứng đầy đủ quy định của Nhà nước. Điển hình tại cửa hàng Xe điện Suzika, thế giới xe điện và thegioixedien.vn… hàng loạt sản phẩm xe điện vi phạm về nhãn mác, kiểu dáng, không có giấy chứng nhận chất lượng an toàn… vẫn được bày bán tràn lan.

Thả nổi: Sẽ rất nguy hiểm!

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Tính từ ngày 1/1/2014 - 31/8/2015, số lượng xe đạp điện NK là 5.324 chiếc, tuy nhiên, số lượng sản xuất, lắp ráp trong nước lên tới 47.308 chiếc. Hiện số lượng xe đạp điện lắp ráp chui không qua đăng kiểm rất lớn. Số lượng xe có dán tem đạt chuẩn chỉ khoảng 10%. Trường hợp mua xe không có giấy tờ, không có hóa đơn, chắc chắn là những xe không rõ nguồn gốc, xe chui.

Ông Đào Xuân Hải, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, tình trạng nhập lậu xe đạp điện từ nước ngoài mà đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất lớn, cả số lượng và chất lượng đều rất khó kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, có rất nhiều xe được lắp ráp trôi nổi trên thị trường. Cần phải có biện pháp quản lý thị trường, quản lý XNK, hạn chế lắp ráp, NK chui; cần có sự phối hợp giữa đơn vị sản xuất, đơn vị quản lý và người mua để bảo đảm chất lượng xe, an toàn cho người sử dụng.

Ông Đinh Văn Bắc, GĐ Công ty TNHH Ô tô xe máy Detech lên tiếng: Cần thực hiện lộ trình quản lý xe đạp điện, bởi nếu thả nổi - sẽ rất nguy hiểm.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia: Vấn đề đăng ký xe máy, xe đạp điện đã bàn từ khá lâu, từ khi trên thị trường xuất hiện và có chiều hướng tăng mạnh các loại xe này. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý miễn phí trước bạ đến hết ngày 30/6/2016 đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký khi chủ phương tiện đến cơ quan công an làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Ông Hùng cho biết, sau ngày 30/6/2016, những phương tiện xe đạp điện, xe máy điện nếu không tiến hành đăng ký mà tham gia giao thông, sẽ bị xử phạt theo Nghị định 171 của Chính phủ.

Hoan Nguyễn – Ngọc Linh