Cách đây hai năm để có thể mua quần áo, giày dép của Zara, H&M, Pull & Bear... thì cần đặt qua các đầu mối trên mạng. Tuy nhiên, hơn một năm nay, việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn rất nhiều sau khi các thương hiệu này đều đã có tại thị trường Việt Nam..
Sau khi Zara khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở TP HCM (2 năm về trước) đã tạo ra cơn sốt mới, hàng dòng người xếp hàng chờ thử đồ, thanh toán. Và tròn một năm sau, khung cảnh này lại tiếp diễn khi H&M ra mắt cửa hàng đầu tiên.
Khách hàng chen chân mua sắm trong ngày H&M ra mắt cửa hàng tại Hà Nội năm ngoái
Dù có mặt sau nhưng hiện tại H&M đã có tận 4 cửa hàng tại Việt Nam và sắp khai trương thêm 2 cửa hàng ở cả Hà Nội và TP HCM. Theo báo tài chính 6 tháng (giai đoạn 1/12/2017 – 31/5/2018) của H&M, thị trường Việt Nam đem về cho hãng thời trang này 127 triệu SEK (325 tỷ đồng).
Trong khi đó, tại Việt Nam, Zara được phân phối bởi tập đoàn Mitra Adiperkasa tại Indonesia. Ngoài ra Zara, năm ngoái, đơn vị này còn đưa vào thị trường Việt Nam thêm 3 thương hiệu thời trang khác gồm Massimo Dutti, Pull & Bear, Stradivarius.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay của Mitra Adiperkasa ghi nhận doanh thu kinh doanh tại Việt Nam đạt 592,8 tỷ Rupiad (gần 930 tỷ đồng). Do đó, Việt Nam hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất của tập đoàn phân phối sản phẩm thời trang của Indonesia.
Còn đối với các thương hiệu phân khúc trung bình như GAP, Topshop, Mango... cũng liên tục đẩy mạnh mở rộng hệ thống . Cuộc canh tranh ở phân khúc tầm trung này sẽ thêm phần hấp dẫn trong thời gian tới bởi Uniqlo – ông lớn thời trang Nhật cũng vừa thông báo sẽ gia nhập thị trường Việt Nam vào năm sau. Đây là một thương hiệu được người Việt khá ưa chuộng. Nhiều đầu mối trong nước “ăn nên làm ra nhờ” nhận xách tay đồ Uniqlo về Việt Nam. Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo sẽ được mở tại TP HCM.
Trong một khảo sát của Niesel vào năm ngoái cho thấy, người Việt đứng thứ 3 thế giới về mê hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 - 2017, với 12,7% mỗi năm, theo báo cáo mới của hãng nghiên cứu Wealth-X. Tốc độ này chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Hằng Vương