Thực phẩm chức năng… “hóa thần dược” (?!)
Từ đầu năm 2000, khái niệm về TPCN bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Sau gần 20 năm, đã có gần 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với hơn 70% sản phẩm, còn hơn 20% là hàng nhập khẩu. Ngoài ra, một số DN đã bắt đầu xuất khẩu TPCN.
Nhiều năm qua, không ít DN dược đã đổ xô làm TPCN, tạo sự cạnh tranh khốc liệt. Có lợi thế về mạng lưới phân phối thuốc, các công ty dược bổ sung thêm TPCN vào đại lý, nhà thuốc, len lỏi đến tận vùng sâu, vùng xa. Thị trường, nhiều loại sản phẩm cạnh tranh, NTD được hưởng lợi từ việc lựa chọn sản phẩm đa dạng, đa công ty, nhưng cũng phải đối mặt nhiều rủi ro.
Nhằm thu hút khách hàng, nhiều DN đã tự “thần thánh hóa” công năng của sản phẩm. Việc quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) có tác dụng như thuốc chữa bệnh đang diễn ra nhan nhản. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, vì lợi nhuận, đã cố tình đưa ra thị trường những sản phẩm không như đăng ký với cơ quan quản lý, quảng cáo sai sự thật… khiến NTD hoài nghi về công dụng. Nhiều DN đã bị báo chí phanh phui, cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt. Nhưng dường như tình trạng này vẫn diễn ra công khai và đang có chiều hướng gia tăng.
Điển hình, gần đây nhất là vụ việc “khởi nghiệp 4.0 của Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise” kinh doanh, bán sản phẩm của Trung tâm Xương khớp ông Bồng. Qua các chiêu trò lừa đảo, những sản phẩm được bán với giá rẻ từ vài chục nghìn đồng đến 100.000 đồng, đã được “hô biến” sản phẩm thành “thần dược” thông qua các “bác sỹ online, tư vấn qua điện thoại”, bán hàng trên mạng. Đã có nhiều khách hàng bị lừa mua sản phẩm, còn công dụng đơn giản chỉ có tác dụng hỗ trợ, tăng sức đề kháng cho cơ thể, không hề có những tác dụng trên trời như được quảng cáo. Sau đó, Phòng Y tế quận Thanh Xuân (Sở Y tế Hà Nội) cùng các cơ quan liên quan truy tìm hoạt động của nhóm này.
Sản phẩm Xương khớp ông Bồng bị người tiêu dùng tố giác, cơ quan chức năng “truy tìm”
Một loại sản phẩm như Xương khớp bà Ngọ, cũng được quảng cáo là sản phẩm nguồn gốc từ thảo dược quý hiếm có tác dụng chữa đau nhức xương khớp, tê mỏi chân tay, thoát vị đĩa đệm... Cũng giống như chiêu trò của Xương khớp ông Bồng, nhóm người bán sản phẩm Xương khớp bà Ngọ cắt ghép clip có logo của VTV kèm theo những quảng cáo “bịa đặt trắng trợn” - hô biến loại TPCN này thành “thần dược” chữa bách bệnh về xương khớp. Sau đó, thông qua thao tác chạy quảng cáo trên Facebook, sản phẩm này đã được nhiều người biết đến và nhẹ dạ đặt mua dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Tác dụng thần thánh đâu chưa thấy, nhưng đã thấy tốn tiền và có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, vi phạm pháp luật.
Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Tình trạng quảng cáo các sản phẩm TPCN, TPBVSK trên facebook diễn ra tràn lan. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm TPCN, nhưng lại khẳng định “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”, “đông y trị nhức xương khớp”... Những quảng cáo này, lừa dối NTD. Đây là nỗi bức xúc, không chỉ đối với các cơ quan quản lý, mà của rất nhiều NTD . Chính người thân của tôi cũng từng bị những quảng cáo “nổ” công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh”.
Có nhiều DN quảng cáo sai sự thật, “mượn” danh bác sỹ, hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối NTD... Quảng cáo là thế. Vậy, chất lượng của những “thần dược” trên có đúng như sự thật hay ngay trong khâu lựa chọn dược liệu, sản xuất đã có vấn đề?
Trong khi sản phẩm TPCN thì quá nhiều “rác” dược liệu, dược liệu nhập lậu theo đường tiểu ngạch diễn ra tràn lan. Chính vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với cơ quan chức năng và cả facebook để phối hợp giải quyết tình trạng này.
Theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, việc lừa dối quảng cáo TPCN, TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Siết chặt quản lý thực phẩm chức năng
Có thể thấy, lợi dụng sự dễ dàng trong việc cấp phép hoạt động, cũng như thiếu sự rõ ràng, rành mạch của phía các cơ quan quản lý nên các sản phẩm TPCN cứ “trăm hoa đua nở”. Đặc biệt, do thiếu chế tài trong việc kiểm soát thông tin quảng cáo, nhiều TPCN đã được quảng cáo sai sự thật, gây ra những tổn thất không nhỏ cho những người sử dụng sản phẩm.
Hiện nay trên thị trường có gần 4.000 cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN
Số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm hàng tháng, Cục buộc phải ra thông báo xử phạt hàng chục công ty liên quan đến vấn đề vi phạm quảng cáo TPCN, TPBVSK. Năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt hơn 6 tỷ đồng về các hành vi vi phạm quảng cáo. Nhưng thực trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp, nhức nhối.
Ông Phong nhấn mạnh, không lo thiếu TPCN, chỉ lo thiếu TPCN không chất lượng. Nếu không nghiêm khắc, để tình trạng như hiện nay thì những DN đầu tư nghiêm túc, số tiền lớn cũng như một DN đầu tư dè sẻn, tạo sự không bình đẳng đối với TPCN. Khi chất lượng khó kiểm soát, thì thiệt hại đầu tiên chính là NTD. “Kiên quyết thực hiện lộ trình GMP, yêu cầu các DN nghiêm túc thực hiện lộ trình này”, Cục trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm lấy mẫu trên thị trường và gửi đơn vị kiểm nghiệm để kiểm tra mẫu, trường hợp có vi phạm các quy định về các chỉ tiêu, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để “chuẩn hóa” TPCN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, từ ngày 1/7/2019, tất cả cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) của Bộ Y tế. Đây được xem là cơ sở pháp lý để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất TPCN không đủ điều kiện, giảm thiểu hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.
Theo Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Việt Nga, nhiều năm qua, để tăng cường, kiểm soát thị trường TPCN, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan, như: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn toàn thực phẩm; Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa của Chính phủ; Thông tư 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng ngày 24/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế…
Trước vấn đề nhiều DN, cơ sở sản xuất vi phạm pháp luật về quảng cáo, chất lượng sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định hiện hành và công khai thông tin trên website của Cục (www.vfa.gov.vn); buộc tổ chức/cá nhân vi phạm quảng cáo phải dừng quảng cáo vi phạm, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo, buộc cải chính thông tin sai phạm.
Nếu các công ty cố tình tiếp tục vi phạm quảng cáo, sẽ bị xử lý có tình tiết tăng nặng theo quy định pháp luật. Đã nhiều công ty cố tình vi phạm, Cục An toàn thực phẩm thành lập đoàn thanh kiểm tra toàn diện đột xuất tại công ty để đánh giá mức độ chấp hành pháp luật trong kinh doanh, sản xuất TPCN, TPBVSK, đồng thời tiến hành xử lý theo luật định, buộc các tổ chức, cá nhân tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Hơn lúc nào hết, cần phải siết chặt thị trường này, tránh để tình trạng nhiều DN làm ăn gian dối ngang nhiên thu lợi nhuận, còn người chịu thiệt thòi nhất vẫn là khách hàng khi lâm cảnh “tiền mất tật mang”, “đang lành chữa thành què” - do sử dụng phải TPCN dởm.
Trang Nguyễn