10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam, bao gồm:
Bình Dương đạt 7,12 triệu đồng/người/tháng; TP. Hồ Chí Minh đạt 6,6 triệu đồng/người/tháng; Hà Nội đạt 6 triệu đồng/người/tháng; Đồng Nai đạt 5,75 triệu đồng/người/tháng; Đà Nẵng đạt 5,23 triệu đồng/người/tháng; Hải Phòng đạt 5,09 triệu đồng/người/tháng; Bắc Ninh đạt 4,91 triệu đồng/người/tháng; Vĩnh Phúc đạt 4,51 triệu đồng/người/tháng; Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bài 5: Đà Nẵng đặt nhiều mục tiêu để phấn đấu bứt phá
Vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, TP. Đà Nẵng không chỉ tạo dựng được nền tảng, mà còn kiến tạo thêm động lực tăng trưởng mới để sẵn sàng cho chặng đường tương lai…
Nỗ lực vượt khó - đạt những kết quả quan trọng
Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2023, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, Trần Văn Vũ thông tin, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của thành phố ước tăng 2,58% so 2022. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn mức tăng bình quân 5,51%/năm của giai đoạn 2021 - 2023.
Trong mức tăng 2,58%, giá trị tăng thêm (VA) của khu vực dịch vụ tăng cao nhất với 4,10%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung; riêng khu vực công nghiệp và xây dụng giảm 2,05%, trong đó lĩnh vực xây dựng tiếp tục tăng trưởng âm 8,36% so 2022.
Quy mô kinh tế thành phố năm 2023 (theo giá hiện hành), ước đạt hơn 134.247 tỷ đồng, mở rộng 9.728 tỷ đồng so 2022. Trong đó, phần mở rộng tập trung ở VA khu vực dịch vụ với 8.923 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hẹp 116 tỷ đồng (lĩnh vực xây dựng giảm 529 tỷ đồng).
Khu vực dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu trong quy mô kinh tế năm 2023 của TP. Đà Nẵng với 70,34%.
Đà Nẵng quyết tâm tăng tốc, bứt phá trong năm Giáp Thìn 2024
Cục Thống kê đánh giá, khu vực dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ cho kinh tế của thành phố, một số ngành dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao, cầu tiêu dùng trong dân duy trì xu hướng phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ thị trường có dấu hiệu chững lại, đặc biệt thị trường bất động sản vẫn chưa được cải thiện.
Cụ thể, 2 ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ, nhưng có mức giảm khá sâu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung, bao gồm hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 29,28%; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy giảm hơn 5,12%.
Theo Cục Thống kê, những hạn chế trên, đến từ sự đóng băng của thị trường bất động sản, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khan, do siết chặt cho vay của các ngân hàng, dòng tiền vốn huy động của các doanh nghiệp yếu, việc thanh tra các dự án, đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung và thanh khoản thị trường bất động sản làm cho hoạt động kinh doanh bất động sản giảm sâu. Các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng, cắt giảm lãi suất... chưa mang lại hiệu quả cao và khó tiếp cận.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 15/12/2023, TP. Đà Nẵng đã cấp mới 104 dự án với vốn đăng ký đạt 151,2 triệu USD; có 42 lượt dự án điều chỉnh vốn, phần vốn tăng thêm đạt 20,2 triệu USD; có 37 lượt nhà đầu tư vốn góp mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp 10,7 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm sơ bộ cả năm đạt 185 triệu USD, giảm 37,8% so 2022. Giai đoạn 2021 - 2023, số dự án cấp phép mới bình quân mỗi năm tăng 6,1%.
Cục Thống kê TP. Đà Nẵng đề cập:
“Thu hút FDI tăng về số dự án và số vốn so 2022, chủ yếu thu hút vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới chậm tiến độ, chưa đàm bảo hạ tầng sẵn sàng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất”.
Cuối buổi họp báo, ông Trần Văn Vũ cho hay, năm 2023, mặc dù kinh tế thành phố có tốc độ tăng tương đối thấp (xếp thứ 54/63 địa phương; tuy nhiên, Đà Nẵng đạt được một số kết quả tạo tiền đề trong năm 2024…
Nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP. Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2020 - 2025), có thể gói gọn trong từ “vượt khó”. Bởi, không chỉ bị tác động do những khó khăn chung về bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, Đà Nẵng còn phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ, Đà Nẵng phải đương đầu với dịch bệnh, buộc phải áp dụng những biện pháp chưa từng có nhằm ứng phó và ngăn chặn. Những khó khăn đó, đã ảnh hưởng lớn đến đà tăng trưởng của thành phố biển.
Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng, Đà Nẵng đã vượt qua và từng bước phục hồi, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế. Thống kê cho thấy, kinh tế thành phố tăng trưởng và phục hồi nhanh trong một số lĩnh vực, nhất là dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ thông tin. Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 – 2023, ước tăng 6,3%/năm; Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng qua các năm; tổng doanh thu lưu trú, lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước tăng 50,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu ước tăng bình quân 12,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước tăng 16,3%/năm…
Du lịch Đà Nẵng
Không những thế, Đà Nẵng là đơn vị 12 năm liên tục (2009 - 2021) dẫn đầu Bảng Xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Việt Nam ICT Index) - năm 2020 và 2022, Đà Nẵng nhận danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; 3 năm liên tiếp (2020 - 2022) đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; 2 năm liên tiếp (2021 - 2022) đứng đầu khối các tỉnh, thành phố về Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, một lần nữa cũng phản ánh nỗ lực vượt khó của Đà Nẵng. Trong bối cảnh khó khăn, thành phố đã giữ được mức tăng trưởng GRDP năm 2023 là 2,58%.
Quy mô kinh tế năm 2023 (giá hiện hành) đạt hơn 134.000 tỷ đồng, quy mô tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng so 2022. TP. Đà Nẵng đã hoàn thành và được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời cơ bản hoàn thành 9/9 đồ án phân khu đô thị và 4/10 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng chức năng…
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Trong giải pháp phục hồi, tăng trưởng kinh tế năm 2024, Cục Thống kê chỉ ra, trong cơ cấu kinh tế hiện nay, dịch vụ chiếm 70,34% trong GRDP. Do đó, năm 2024 rất khó để tạo sự bức phá ngoạn mục, vì vậy, chúng ta cần giữ vững tăng trưởng một số ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực dịch vụ như dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ hành chính và hỗ trợ…
Năm 2024, Đà Nẵng xác định chủ đề:
“Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Cảng Đà Nẵng
Thành phố đã đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu, như: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng 8 - 8,5%; phấn đấu từ 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; giảm dần tổ chức đảng, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc bị kỷ luật; kết nạp đảng viên mới từ 3 - 4% số lượng đảng viên đầu năm…
2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng để thành phố hoàn thành các chỉ tiêu theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp với thành phố - báo cáo Bộ Chính trị kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43 và đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng thống nhất chủ trương ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết. Trong đó, cho chủ trương sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội theo hướng:
Cho phép TP. Đà Nẵng áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị và sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập khi thực hiện; áp dụng thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù tương tự như một số địa phương và có những cơ chế mang tính đột phá, phù hợp với thành phố trong thời gian tới nhằm tạo động lực phát triển mới, thu hút các nguồn lực để triển khai hiệu quả các định hướng, mục tiêu theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị”.
Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 14, diễn ra cuối năm 2023, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Văn Quảng khẳng định:
“2024 là năm có ý nghĩa quan trọng với cơ hội và thách thức đan xen; là năm đòi hỏi phải có sự bứt phá mạnh mẽ để thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu theo Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nếu thành phố không có sự quyết tâm, không có mục tiêu lớn để phấn đấu, thì sẽ tụt hậu rất xa và rất nhanh. Thành ủy, Đảng bộ Thành phố thống nhất đặt mục tiêu tăng tưởng từ 8 - 8,5% năm 2024, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, nhưng thực sự cũng là một thách thức rất lớn đối với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân”.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị, toàn Đảng bộ cần phải tiếp tục quyết tâm, nỗ lực khắc phục những khó khăn, chủ động, quyết tâm hơn nữa trong hành động và phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với nhiều biện pháp linh hoạt, có tính chất sáng tạo, đột phá hơn nữa.
“Chúng ta phải khắc phục được những hạn chế thuộc về mặt chủ quan như đã nêu ra. Trên cơ sở đó, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của năm 2024, nhất là chủ đề năm và mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8 - 8,5%”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
Đà Nẵng quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm Giáp Thìn 2024
Liên quan đến công tác xây dựng đảng, công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lưu ý, chúng ta cần thực hiện hiệu quả hơn nữa Kết luận số 366-KL/TU ngày 24/3/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời, đề nghị năm 2024, phải đặt ra chỉ tiêu phát triển đảng viên so với số lượng đảng viên đầu năm lên 4%, chứ không phải mức 3% như mục tiêu đặt ra những năm trước đây. Cùng với đó, chú trọng phát triển các tổ chức 1ảng, đảng viên trong doanh nghiệp.
Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm, Giám đốc Công an Thành phố - Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết:
“Năm 2024, toàn lực lượng sẽ tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo ANTT, trật tự an toàn xã hội. Cụ thể: Tập trung triển khai quyết liệt các chuyên đề, kế hoạch, các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; kiên quyết không để hình thành tội phạm có tổ chức, các điểm, tụ điểm phức tạp về ANTT; tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, kéo giảm tội phạm ngay từ cơ sở; nâng cao năng lực của công an xã, phường, lực lượng cốt cán tại khu dân cư trong công tác nắm tình hình, xử lý từ sớm các vấn đề ANTT, mâu thuẫn nổi lên ở cơ sở, không để phát sinh thành vấn đề lớn, phức tạp; chú trọng nhân rộng các mô hình hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tại các khu dân cư, trường học, cơ quan, doanh nghiệp…
Phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường và các bài học kinh nghiệm trong năm 2023 - là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và chính quyền TP. Đà Nẵng quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm Giáp Thìn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025
T. Hương