Theo đó, đoạn từ nút giao TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đến nút giao Quốc lộ 1A (qua huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) dài 3,4km. Đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao Quốc lộ 51 (qua huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) dài 7km. Hiện chưa thu phí.

Quy định vận hành tạm thời, đoạn Bến Lức - TP. Hồ Chí Minh vận tốc tối từ 40 - 60km/h, đoạn qua Đồng Nai vận tốc từ 60 - 100km/h.

Cắt băng thông xe một số đoạn tuyến cao tốc Long Thành - Bến Lức. Ảnh Xuân Lộc
Cắt băng thông xe một số đoạn tuyến cao tốc Long Thành - Bến Lức. Ảnh Xuân Lộc

Theo VEC, việc đưa vào khai thác trước hai đoạn nhằm giải tỏa ùn tắc tại khu vực cửa ngõ TPHCM, đặc biệt là điểm kết nối giữa cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và Quốc lộ 1 giúp Quốc lộ 51 giảm tải khi lưu lượng xe đi Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm hướng di chuyển mới. Rút ngắn thời gian di chuyển giữa Long An, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư gần 29.600 tỷ đồng với chiều dài gần 58km, đi qua 3 địa phương gồm Long An (gần 3km), Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 26km) và Đồng Nai (gần 29km). Dự án khởi công năm 2014, hoàn thành toàn tuyến 2026. Từ tháng 1/2019, dự án bị đình trệ do vướng mắc nguồn vốn, thay đổi cơ chế chính sách mất nhiều thời gian điều chỉnh thủ tục đầu tư. Đến giữa năm 2023, dự án mới được tái khởi động.

Việc thông xe tạm thời một số đoạn của cao tốc Bến Lức - Long Thành đánh dấu bước tiến quan trọng sau nhiều năm trì hoãn. Khi hoàn thành vào năm 2026, tuyến đường sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thu hút đầu tư và phát triển du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai; giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, góp phần hạn chế tai nạn giao thông; rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư của các khu công nghiệp.

Hoàng Bách(t/h)