Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực hút vốn ngoạiCông nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực hút vốn ngoại

Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt 13,6 tỷ USD với 2.313 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận cấp phép đầu tư (giảm 14,8% so với cùng kỳ). Có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,3 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ).

Cùng với đó, có 5.812 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 1,2% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp 6,5 tỷ USD (giảm 41,8% so với cùng kỳ). Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (từ 35,4% trong 11 tháng năm 2019 xuống 24,7% trong 11 tháng năm 2020).

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 17,2 tỷ USD, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng theo báo cáo, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực hút vốn ngoại khi có tới 12,7 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực này, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,9 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,8 tỷ USD và 1,5 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác. Xét về đối tác đầu tư, Singapore đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 8,1 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo Cục ĐTNN, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án ĐTNN tiếp tục bị ảnh hưởng.

Huy Trung