Chiều 19/5 (giờ địa phương), ngay sau khi tới Hiroshima, bắt đầu chuyến công tác dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Báo cáo Thủ tướng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Phạm Quang Hiệu cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có gần 500.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản và cũng là cộng đồng người Việt lớn thứ 2 trên thế giới. Trong đó, có khoảng 250.000 lao động, tu nghiệp sinh, thực tập sinh, khoảng 50.000 lưu học sinh, 60.000 kỹ sư và khoảng 40.000 người định cư tại Nhật Bản… Người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản.
“Sau hơn 20 năm đã hình thành thế hệ người việt thứ 2, thậm chí thứ 3 tại Nhật. Cộng đồng người Việt luôn hướng về giữ gìn bản sắc dân tộc. Gần như ở đâu trên đất Nhật có người Việt đều có các hội đoàn. Người Việt tại Nhật đa phần trẻ nhưng luôn hướng về quê hương, đất nước và mong muốn đóng góp qua nhiều hình thức khác nhau”, ông Hiệu chia sẻ.
Tại cuộc gặp Thủ tướng, GS. TS. Trần Đăng Xuân, Chủ tịch Hội người Việt tại vùng Nam Trung (Nhật Bản) cho biết, cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản luôn có nhiều hoạt động hướng về quê hương, tổ quốc. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ông cho biết, dự kiến tới đây sẽ cho ra giống lúa non, năng suất vượt trội, giúp Việt Nam sớm trở thành cường quốc số một về lúa gạo xuất khẩu.
Ông Xuân kiến nghị Thủ tướng đẩy mạnh trao đổi với Chính phủ Nhật Bản, sớm miễn giảm thuế thu nhập cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản; luật hóa sớm các chính sách đất đai tại Việt Nam với kiều bào, đơn giản hoá các thủ tục trong việc xin các đề tài nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, cũng như tăng hơn nữa số tiền dành cho nghiên cứu khoa học hàng năm.
Bà Cấn Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, chia sẻ câu chuyện về những người trẻ khởi nghiệp sau thời gian học tập, làm việc tại Nhật Bản.
Theo bà Huyền, khởi nghiệp không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh mà còn là cơ hội để đóng góp cho quê hương. Bà lập hội với mục đích hỗ trợ các vấn đề về tài chính, luật pháp, văn hóa đầu tư sở tại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của người Việt Nam tại Nhật Bản. Hiện bước đầu đã có các doanh nghiệp đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, văn hóa kinh doanh và luật pháp nước sở tại.
Hội đang đặt mục tiêu kết nối các doanh nghiệp, quỹ đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Để làm được điều này, bà Huyền kiến nghị Thủ tướng, trong các cuộc gặp với lãnh đạo Nhật Bản, nêu đề nghị họ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có chủ là người Việt.
Trò chuyện với kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng vì chứng kiến sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản; xúc động trước tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm, khát khao cống hiến của kiều bào đối với quê hương, đất nước, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước luôn khẳng định kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước. Đảng, Nhà nước có trách nhiệm chăm lo cho kiều bào và mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng có trách nhiệm cống hiến cho coi đất nước. Bản thân Thủ tướng, khi gặp bất cứ lãnh đạo quốc gia nào, cũng gửi gắm về việc tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam sở tại sinh sống, học tập, làm việc thuận lợi.
Điểm lại lịch sử quan hệ hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam - Nhật Bản có mối duyên nợ. Hiện nay, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tốt đẹp hơn bao giờ hết. Chỉ trong chưa đầy 2 năm từ khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 6 lần gặp gỡ để trao đổi, thảo luận các nội dung thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa.
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Hai nước cũng chia sẻ lập trường, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên các diễn đàn đa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đó là điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản phát triển; để bà con học tập, công tác, kinh doanh thuận lợi, đóng góp cho đất nước và quan hệ hai nước”.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là trách nhiệm của chính phủ. Những vấn đề bà con nêu đang được các bộ, ngành, cơ quan xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng và kiều bào nói chung, tiếp tục đóng góp ý kiến để các nội dung phù hợp của bà con được cụ thể hóa chủ trương, chính sách, pháp luật quá trình hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Đại sứ quán, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Nhật Bản nói riêng phải xem kiều bào như người thân trong gia đình, để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của bà con; đồng thời bà con cũng coi cán bộ Đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và giữa bà con với nhau như người thân để chia sẻ, cùng nhau tiến bộ; như câu ca dao của ông, cha ta “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản; mong muốn bà con tiếp tục lớn mạnh, phát triển; giữ gìn bản sắc; luôn hướng về quê hương, đất nước.
Thiên Trường