THCL Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra chiều nay (6/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ.
Cùng dự có các phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Đây là hội nghị quan trọng nhằm đánh giá tình hình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015.
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020 (Ảnh: chinhphu.vn)
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, số lượng DNNN đã giảm rất nhanh trong 15 năm qua.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, số lượng DNNN đã giảm từ khoảng 6.000 DNNN năm 2001 xuống còn 718 DNNN tại thời điểm tháng 10/2016. Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, số vốn nhà nước tại DN được thoái ra thị trường vẫn còn rất thấp, chỉ đạt 8%, tức là vẫn còn 92% vốn nhà nước tại DN.
Thủ tướng đánh giá, so với cách đây 10 năm, hiện số DNNN đã giảm nhanh, từ 12.000 xuống còn rất ít. Thế nhưng, số vốn cổ phần hóa mới được 8%, còn 92% vẫn là vốn nhà nước. Do vậy, hội nghị cần bàn bạc, tìm nguyên nhân vì sao thoái vốn nhà nước tại DN và tiến độ cổ phần hóa lại thấp như vậy, dù chủ trương của Đảng, Nhà nước là phải đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN mạnh mẽ.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, khi thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015 “cơ bản không phát sinh các DN kinh doanh thua lỗ lớn” hay các dự án không hiệu quả, gây hậu quả nghiêm trọng như Giấy Phương Nam (2003), Xơ sợi Đình Vũ (2007), các dự án nhiên liệu sinh học (2007), Vinashin (2010)...
Cũng theo ông Lê Mạnh Hà thì “phần lớn DNNN sản xuất, kinh doanh có lãi”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN còn nhiều hạn chế. Đó là hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN thấp so với nguồn lực đang nắm giữ; một số DN tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao; còn tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực (trong khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản; trong đầu tư xây dựng cơ bản...). Một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả kinh tế lớn, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước...
“Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”, ông Hà nói.
Tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, để có thể triển khai hiệu quả việc thoái vốn nhà nước khỏi DN và tiến hành cổ phần hóa thành công thì điều đầu tiên là cần xác định được những DN nào Nhà nước cần giữ cổ phần chi phối, DN nào nên “buông”.
“Danh sách xếp loại DNNN ở trên tay, nhưng tôi chưa ký chính vì cần phải thống nhất, những DN nào cần thoái vốn toàn bộ, những DN nào cần chi phối và nếu cần nắm giữ thì ở tỷ lệ bao nhiêu phần trăm?”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết, theo phản ánh có nhiều chính sách, cơ chế thoái vốn, cổ phần hóa thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 hiện đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu tại hội nghị này, đại diện các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và UBND các địa phương phải chỉ ra được những chính sách bất hợp lý cụ thể là chính sách gì...
"Tôi được nghe phản ánh là nhiều chính sách không còn phù hợp. Vậy chính sách nào không phù hợp? Khi cổ phần hóa DN quy mô lớn thì cần lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, xác định trách nhiệm tổ chức tư vấn, giá trị DN thế nào? Trách nhiệm DNNN sau cổ phần hóa thoái vốn ra sao? Trách nhiệm để cho cổ phần hóa chậm trễ ra sao?”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ. Mục tiêu là để không thất thoát tài sản nhà nước, đặc biệt là tài sản đất đai ở vị trí thuận lợi. Đối với những DNNN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, có dự án kinh doanh không có hiệu quả kéo dài, dự án đắp chiếu…, yêu cầu cần phải có phương án xử lý phù hợp.
Thiên Trường