Hội nghị Trung ương 8 vừa quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII gồm Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Trong đó, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng Tiểu ban, gồm có 51 thành viên.

Thủ tướng chủ trì họp phiên đầu tiên của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội - Hình 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiệm vụ quan trọng của Tiểu ban là xây dựng 2 văn kiện: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc XIII.

Nội dung văn kiện sẽ đưa ra định hướng chiến lược cho sự phát triển đất nước thập niên tới, vì vậy, việc tập trung trí tuệ, thời gian để hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề này rất quan trọng. Bởi từ nay đến Đại hội Đảng XIII có nhiều công việc, bao gồm cả tổng kết, đánh giá kỹ thực tiễn đất nước, đặc biệt là đánh giá kết quả 10 năm qua, nhất là 5 năm trong kỳ Đại hội, đồng thời nêu ra các tồn tại, hạn chế, bất cập để khắc phục, tìm nguyên nhân của thành công hay không thành công trong kinh tế - xã hội và các bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn.

Thủ tướng lưu ý, văn kiện phải đảm bảo tính khoa học, phục vụ lãnh đạo đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, “chúng ta đặt vất đề không để tụt hậu xa hơn, phải đổi mới, sáng tạo, tận dụng cơ hội, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam để vượt lên khó khăn, vươn lên mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững”. Muốn làm điều đó, đòi hỏi phải có chiến lược, sách lược, lộ trình, bước đi và giải pháp thực sự đổi mới, quyết liệt đột phá. “Không đột phá vươn lên thì chúng ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta phải có khát vọng mạnh mẽ đưa dân tộc tiến lên”.

“Cách đi nào, giải pháp nào thực sự đổi mới là quyết liệt, đột phá, chúng ta phải đào sâu suy nghĩ để đề ra nhiệm vụ phát triển”, Thủ tướng nói: “Vì vậy, tại phiên họp đầu tiên này, tôi đề nghị chúng ta đặt vấn đề về phương pháp, cách làm, để Tiểu ban Kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đạt hiệu quả tốt nhất”.

Thủ tướng chủ trì họp phiên đầu tiên của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội - Hình 2

 Ảnh VGP/Quang Hiếu

Cho rằng cần huy động các nhà khoa học, tổ chức các cuộc hội thảo để lắng nghe ý kiến… để xây dựng văn kiện súc tích, khoa học, thiết thực, Thủ tướng đề nghị các thành viên đóng góp ý kiến kế hoạch công tác, nội dung công việc, phân công nhiệm vụ và thời gian thực hiện các hoạt động chủ yếu của Tiểu ban cũng như góp ý về cơ quan thường trực, tổ biên tập của Tiểu ban.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày dự kiến kế hoạch công tác của Tiểu ban với 11 hoạt động và thời gian thực hiện, dự kiến Cơ quan thường trực và Tổ biên tập.

Theo đó, cơ cấu Tổ biên tập, dự kiến gồm 6 nhóm: Tổng hợp; Kinh tế; Văn hóa - Xã hội; Tài nguyên, Môi trường, Biến đổi khí hậu; Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, pháp luật, thanh tra; Quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong quá trình soạn thảo, biên soạn, Tổ biên tập giúp Tiểu ban triển khai các công việc cụ thể như soạn thảo, biên tập, khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến của cán bộ lão thành, các chuyên gia, ý kiến của nhân dân...

Theo baochinhphu.vn