Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư
Sáng hôm nay (27/3), Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018 với chủ đề “Vĩnh Long- Chủ động hợp tác phát triển bền vững” long trọng được tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ- Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày tiềm năng kinh tế của tỉnh Vĩnh Long
Tại chương trình, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh vĩnh Long, khẳng định: “Vĩnh Long đã liên tục nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Vĩnh Long luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển ổn định, bền vững”.
Từ nhận thức và xác định rõ những tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian qua, song song với thực hiện kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, tỉnh đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Ưu tiên hàng đầu trong kêu gọi đầu tư của tỉnh chính là nông nghiệp công nghệ cao, kế đến là du lịch - một trong những ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của Vĩnh Long với 11 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh như: Văn Thánh miếu, Văn Xương các, chùa Tiên Châu, miếu Công Thần… cùng với 3 khu tưởng niệm và vẻ đẹp đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước, là điểm đến rất lý tưởng cho du khách.
Theo cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang, ngoài các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Trung ương, UBND tỉnh còn ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư riêng nhằm hỗ trợ một phần kinh phí cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án trên địa bàn.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Vĩnh Long đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư cho 32 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 24 ngàn tỷ đồng và các chương trình an sinh xã hội với tổng giá trị 340 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng chứng kiến khát vọng đổi mới phát triển lớn lao của chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long. Thủ tướng khái quát về những tiềm năng, lợi thế riêng có của Vĩnh Long qua câu thơ: “Vĩnh Long cây trái sum suê, sông ngòi chằng chịt, bốn bề đồng xanh” và giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn tất tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương - Cần Thơ, hướng đến hình thành tuyến Cần Thơ - Cà Mau; nghiên cứu xây dựng đường sắt từ Sài Gòn xuống Đồng bằng Sông Cửu Long và các loại hình giao thông khác để tạo nên hệ thống dịch vụ logistics phù hợp, thúc đẩy phát triển cả vùng.
“Vĩnh Long là xứ địa linh, đất sinh nhân kiệt, người sinh Anh hùng” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và nhắc đến hai nhà lãnh đạo rất nổi tiếng cả đức cả tài, quyết liệt và sáng tạo trong công việc là Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Vĩnh Long còn nhiều người tài giỏi trong các lĩnh vực khoa học, văn học, y học như: Trần Đại Nghĩa, Phan Văn Trị… Đây là tài sản quý báu cần được gìn giữ, phát huy, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá thành tựu của địa phương, Thủ tướng cho rằng, Vĩnh Long đã có những thành tích quan trọng, phát triển khá toàn diện trên các mặt: Kinh tế, văn hóa, xã hội… Tuy còn chiếm 36% trong cơ cấu kinh tế nhưng nông nghiệp của Vĩnh Long đã theo hướng quy mô lớn gắn với phát triển nguồn giống, công nghiệp chế biến.
Thủ tướng cũng đặc biệt hoan nghênh Vĩnh Long liên tục 2 năm liền giữ vững vị trí thứ 6 trong Bảng xếp hạng PCI của cả nước. Thủ tướng cho rằng, đây là một cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền Vĩnh Long trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư đã thành công ở Vĩnh Long, Thủ tướng phân tích.
Tích hợp chiến lược phát triển bền vững
Đặt ra một tầm nhìn mới cho Vĩnh Long, Thủ tướng đề nghị Vĩnh Long phấn đấu trong thập niên tới, trở thành một tỉnh phát triển năng động hàng đầu của cả nước với quy mô nền kinh tế và thu nhập người dân tăng gấp 4 lần, có mô hình phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh và du lịch sinh thái. Đây là thế mạnh riêng có mà không phải tỉnh nào cũng có được.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Thủ tướng đề nghị Vĩnh Long đặt mục tiêu gia nhập vào nhóm các tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong vòng 5 năm tới. “Phải tạo nên một cực tăng trưởng mới của kinh tế cả nước nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng đặt yêu cầu và gợi ý, muốn đạt mục tiêu này, tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, lọt vào tốp đầu cả nước trong thập niên tới, tạo cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác.
Vĩnh Long phải tích hợp chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Vĩnh Long xây dựng chuỗi liên kết trong nông nghiệp với mô hình 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối. “Chúng ta làm ra nhiều không có thị trường, không có nhà phân phối thì bất thành công”, Thủ tướng nói.
Về những giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị Vĩnh Long cần nâng cao số lượng và quy mô doanh nghiệp trên địa bàn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn về vốn, công nghệ mới đến với Vĩnh Long; kết hợp tốt doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng tăng trưởng.
Thủ tướng hoan nghênh các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang đã ký kết quy hoạch chung xác định rõ tầm nhìn các ngành kinh tế để tăng tính liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong Vùng. Thủ tướng gợi ý riêng với Vĩnh Long cần nghiên cứu trở thành trung tâm chế biến nông nghiệp của Vùng.
Đi liền với đó là cơ cấu lại nông nghiệp, thủy sản theo hướng ưu tiên, mũi nhọn, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư lưu ý vấn đề này để đưa vào chiến lược đầu tư.
Trong quá trình đó, phát triển kinh tế phải gắn với bền vững về môi trường, bảo đảm an sinh xã hội; “thu hồi các dự án không triển khai và xem xét những dự án đầu tư kéo dài”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp “cam kết đi đôi với làm”, không chậm trễ trong triển khai, tránh tình trạng “ký kết rầm rộ nhưng triển khai chẳng được bao nhiêu”.
Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp thực hiện quan điểm bền vững trong đầu tư trên 3 trụ cột: Hiệu quả kinh tế, môi trường bền vững, xã hội hài hòa, tiến bộ.
Thủ tướng đề nghị chính quyền Vĩnh Long cần bám sát tinh thần không ngừng cải thiện cơ chế chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.
Từ Vĩnh Long, mở rộng tầm nhìn đối với cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong khu vực phải xác định “giữ vững màu xanh và phát triển xanh”; “không giữ được môi trường thì Đồng bằng sông Cửu Long không còn là kho báu”, Thủ tướng nói và đề nghị các địa phương trong vùng chú trọng hơn nữa đến nguồn vốn con người và đó cũng là động lực để vươn lên; khắc phục tình trạng “chỗ trũng” về giáo dục ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hoan Nguyễn