Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, theo phản ánh của báo chí, các công ty vận tải biển đánh giá triển vọng kinh doanh trong năm 2019 khá tiêu cực. Nhiều công ty bán trụ sở, bán tàu để xử lý nợ tồn đọng.
Cụ thể, Công ty CP Container phía Nam (VSG) kết thúc năm 2018 tiếp tục bị lỗ hơn 54,2 tỷ đồng, đưa khoản lỗ lũy kế lên đến 523,77 tỷ đồng, đồng thời nợ ngắn hạn cũng lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 528 tỷ đồng.
Thủ tướng giao 3 bộ tìm cách 'cứu' doanh nghiệp vận tải biển (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, mức lỗ lũy kế ở mức “khủng” thuộc về Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) khi năm 2018 tiếp tục lỗ gần 255,2 tỷ đồng. Tổng cộng số lỗ lũy kế của công ty này lên 1.780,7 tỷ đồng trong khi nguồn vốn của công ty chỉ có hơn 1.000 tỷ đồng. Tương tự, Công ty CP Vận tải biển Hải Âu (SSG) năm vừa qua đạt lợi nhuận sau thuế 35,7 tỷ đồng.
Một đơn vị khác là Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS) năm 2018 có lợi nhuận sau thuế hơn 17 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm trước đó. Tuy nhiên, mức lỗ lũy kế của công ty vẫn còn hơn 792,3 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2018 là 654,4 tỷ đồng.
Thực tế là vậy nhưng rất khó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam do hạn chế năng lực cạnh tranh, tàu biển Việt Nam chủ yếu trên các tuyến ngắn và chỉ đảm đương 10% thị phần vận tải hàng hóa, nhập khẩu.
Trước những phản ánh này của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, nghiên cứu và đề xuất giải pháp khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Hằng Vương