TH&CL trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Thủ tướng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Những miếng ghép cuối cùng của bức tranh tổng thể nền kinh tế toàn cầu năm 2017 đã hoàn thiện, mang đến một gam màu tươi sáng hơn so với năm 2016, đồng thời cũng phát đi những tín hiệu “ấm áp” cho một khởi đầu đáng tin cậy của năm 2018. Kinh tế thế giới phục hồi khá ổn định và đạt tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010. Hầu hết các nước phát triển và các nền kinh tế đang nổi đều tăng trưởng tích cực và tương đối đồng đều. Châu Á tiếp tục là động lực chính, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thương mại, đầu tư toàn cầu khởi sắc; giá hàng hoá cơ bản và dầu thô phục hồi tích cực. Thương mại hàng điện tử tăng mạnh, nhất là Châu Á. Nhập khẩu của các nước phát triển tăng do cải thiện đầu tư, tiêu dùng và sức mua. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu tăng mạnh, nhất là đầu tư vào các nước phát triển. Các chuỗi giá trị toàn cầu dịch chuyển do tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tình hình tài chính - tiền tệ toàn cầu cơ bản ổn định. Tỷ giá giữa các đồng tiền chủ chốt ít biến động; đồng Euro và đồng tiền của các nền kinh tế đang nổi đều phục hồi, phản ánh niềm tin vào thị trường tài chính toàn cầu đang cải thiện.
Hợp tác và liên kết kinh tế vẫn là dòng chảy chủ đạo trong kinh tế toàn cầu và tiếp tục được đẩy mạnh. Hầu hết các nước coi trọng thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế để phục vụ các mục tiêu, lợi ích chiến lược, an ninh và phát triển. Tự do hóa thương mại và chống bảo hộ được thúc đẩy ở các diễn đàn kinh tế đa phương lớn (G20, G7, APEC, BRICS…); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thống nhất được các thành tố cơ bản, khẳng định quyết tâm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, chống chủ nghĩa bảo hộ.
Thực tế lịch sử phát triển của kinh tế thế giới cho thấy, toàn cầu hóa và hội nhập là xu thế tất yếu, cho dù có những lúc, những nơi còn có quan điểm khác biệt. Toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của nhân loại. Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; thực hiện nhất quán đường lối đổi mới và hội nhập, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ cho sự phát triển thịnh vượng của quốc gia. Coi trọng việc xây dựng, đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm tính linh hoạt, hỗ trợ tiếp cận thị trường minh bạch, duy trì chuẩn mực lao động tiên tiến, bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng kinh doanh, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo không ngừng. Nguyên tắc xuyên suốt trong hoạch định chính sách là phải bắt nhịp với yêu cầu của thực tiễn sinh động, phù hợp với xu thế của công nghệ và toàn cầu hóa, thích nghi tốt với những mô hình kinh doanh mới dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh, cả ở tầm khu vực và toàn cầu.
Năm 2017 ghi nhận những kết quả quan trọng, khá toàn diện của Việt Nam trên các lĩnh vực với nhiều kỷ lục như thành lập mới doanh nghiệp, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại hối. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi rõ nét, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tình hình chính trị, xã hội ổn định. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện đáng kể, tăng 14 bậc, từ thứ 82 lên thứ 68/190; năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, từ thứ 60 lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Quyết tâm đổi mới của Việt Nam và những kết quả quan trọng đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.
Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, phù hợp nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước với 26 khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có 5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm các Hiệp định đã ký kết, thực thi và đang đàm phán, trong đó có các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP). Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần, đạt gần 425 tỷ USD, gấp khoảng 1,9 lần GDP, thể hiện độ mở mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. Trong năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt 21,3 tỷ USD và đăng ký bổ sung 8,4 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn trong Top 500 toàn cầu đã chọn Việt Nam để đầu tư phát triển thành trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong quan hệ với các nước và các đối tác trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cùng góp sức với cộng đồng quốc tế để hóa giải những thách thức mang tính khu vực, toàn cầu và biến những cơ hội thuận lợi thành động lực phát triển mạnh mẽ. Đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, hình thành một thị trường thống nhất có qui mô gần 630 triệu dân với quy mô GDP đạt gần 3.000 tỷ USD và thu nhập của người dân ngày càng tăng; phát huy vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN ở khu vực và quốc tế trên nền tảng đoàn kết nội khối, thống nhất, tương trợ lẫn nhau, độc lập và vững vàng trước những thách thức và sức ép, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2017), Việt Nam đã đưa ra chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, tích cực xây dựng Chương trình nghị sự với mục tiêu kết nối các nền kinh tế thành viên APEC hướng tới ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm. Đặc biệt, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với sự có mặt của lãnh đạo cấp cao của toàn bộ 21 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đã kết thúc thành công rực rỡ, khẳng định vai trò, vị thế quốc tế mới của Việt Nam. Thông điệp mạnh mẽ tại Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng về thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và mở là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và một lần nữa khẳng định vai trò động lực tăng trưởng của APEC - cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, nơi khởi nguồn các sáng kiến liên kết kinh tế. Cũng tại đây, 11 nước thành viên đã thống nhất ra Tuyên bố chung khẳng định những vấn đề cốt lõi, tiến tới ký kết, triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bước sang năm 2018, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo nhưng căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa khủng bố, xung đột vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi. Kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chủ nghĩa bảo hộ vẫn gia tăng ở một số quốc gia, khu vực. Liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh nhưng vẫn còn những trở ngại, khác biệt. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á tiếp tục là trung tâm phát triển năng động nhưng cũng là một trong những trọng điểm cạnh tranh địa chiến lược gay gắt. Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết đối với các quốc gia. Khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ dưới làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động ngày càng sâu sắc, đa chiều đối với tất cả các nước, vừa tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng cũng đặt ra những thách thức và nhiều vấn đề phải xử lý về chính trị, kinh tế, lao động, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh.
Trong bối cảnh đó, cùng các quốc gia và đối tác quốc tế, Việt Nam hết sức mong muốn và hy vọng năm 2018 sẽ là một năm hòa bình, ổn định và thịnh vượng đến với thế giới, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta. Để đạt được điều đó, từng thành viên trong cộng đồng quốc tế cần thể hiện mạnh mẽ thiện chí hợp tác, ý thức trách nhiệm, chung tay hành động, chia sẻ lợi ích chung xây dựng Ngôi nhà chung thế giới trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nơi sự thượng tôn pháp luật được tôn trọng và thúc đẩy bởi tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ.
Với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Việt Nam quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị - xã hội ổn định, phát huy dân chủ, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng, xử lý nợ xấu, cải cách hệ thống tài chính công và kiểm soát nợ công hiệu quả trên tinh thần giảm gánh nặng chi phí, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục sử dụng linh hoạt các công cụ tài khóa và tiền tệ để nâng đỡ nền kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân. Ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, hướng tới xếp hạng cao không chỉ trong Nhóm đầu ASEAN mà cả các chuẩn mực cao của OECD. Đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế; phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp vào năm 2020; đưa kinh tế tư nhân Việt Nam, cùng với các thành phần kinh tế khác phát triển lên một tầm cao mới, có sức cạnh tranh và khả năng hội nhập khu vực và thế giới.
Cải thiện hơn nữa chất lượng thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả hơn, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự tăng trưởng, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo các tầng lớp thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá. Sự thăng tiến xã hội là chìa khóa để duy trì sự chuyển động của một vòng xoay tích cực thúc đẩy lẫn nhau giữa sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế. Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, hiện nay có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc nhóm trung lưu, dự báo đến 2035 tỷ lệ này sẽ là 50%.
Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Gắn việc thực thi các cam kết hội nhập với quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế luật pháp, cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh; xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng các nước thành viên, phấn đấu sớm ký kết Hiệp định EVFTA với Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…; qua đó sẽ mang đến nhiều cơ hội mới cho cộng đồng kinh doanh, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho nền kinh tế, tham gia vào mạng sản xuất và các chuỗi giá trị trong các nền kinh tế thành viên.
Việt Nam trân trọng chào đón và tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế và trong nước phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam, nhưng cũng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm, phá hoại tính bền vững của môi trường tự nhiên; gây ảnh hưởng tiêu cực tới các giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội; sử dụng lao động bất hợp pháp, trẻ vị thành niên, phân biệt đối xử, ít quan tâm tới quyền lợi người lao động; sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; các hành vi trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại.
Cùng với nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, phát huy nội lực, sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam kêu gọi và hoan nghênh sự ủng hộ và hợp tác của các đối tác và cộng đồng quốc tế trên mọi phương diện, từ phát triển kinh tế đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh. Chúng tôi trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia quốc tế, trong nước trong xây dựng các chiến lược phát triển, tìm ra các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Trong thế giới đầy biến động ngày nay, chúng ta không thể thực hiện thành công các mục tiêu cao cả về hợp tác, phát triển nếu không có hòa bình, ổn định. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang có những điểm nóng đe dọa hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu. Việt Nam mong muốn cùng cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác, đoàn kết, phát huy mọi nỗ lực, sáng tạo, sáng kiến của từng quốc gia để cùng chung tay vượt qua thách thức, ngăn ngừa và thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững, mang lại sự thịnh vượng, hạnh phúc đến mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Về phần mình, Việt Nam cũng sẽ chủ động cùng các nước tích cực nghiên cứu, đóng góp, tìm kiếm các giải pháp gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển; ứng phó hiệu quả với những yếu tố gây cản trở quá trình hội nhập quốc tế như chủ nghĩa bảo hộ, vấn nạn trốn thuế, chuyển giá, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, các vấn đề về khủng bố, phân biệt sắc tộc, tôn giáo…; đồng thời triển khai hiệu quả, thực chất các thỏa thuận khu vực, toàn cầu về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và định hình các thể chế hợp tác và phát triển đa phương, song phương. Tất cả chúng ta hãy có những hành động thiết thực, hiệu quả, cùng chung tay góp sức vì một thế giới hòa bình, hạnh phúc và phát triển thịnh vượng.
TH&CL