Trong tháng 01, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tín dụng tăng 0,65%; chỉ số CPI tăng 0,52% so tháng trước, tăng 4,89% so cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước đạt 11,3% dự toán; khu vực nông nghiệp phát triển tốt; thương mại, dịch vụ tăng 20% so cùng kỳ; xuất siêu đạt 3,6 tỷ USD; khách quốc tế đạt 871,2 nghìn lượt người, tăng 23,2% so tháng trước, gấp 44,2 lần cùng kỳ; vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 27 nghìn tỷ đồng, bằng 4% kế hoạch, tăng 3,2% so cùng kỳ; vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, gấp 3,1 lần so cùng kỳ; tháng 01 có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước;
Đời sống người dân tiếp tục cải thiện, tỷ lệ hộ có thu nhập không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kỳ là 92,9%; trong tháng, số vụ tai nạn giao thông giảm 17,2%; số người chết giảm 10,1%; số người bị thương giảm 8,9%; làm tốt công tác quân sự, quốc phòng, theo dõi, nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; tình hình an ninh được giữ vững, không có vụ việc phức tạp xảy ra; trật tự, an toàn xã hội tốt hơn so với dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta cần tập trung phân tích những đặc điểm khác tháng 01 và tháng 12 năm 2022, đã làm được gì, chưa làm được gì, nguyên nhân hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm gì của các cơ quan hành pháp từ Trung ương đến địa phương. Thủ tướng đề nghị phân tích kỹ vào việc, tháng 01 vừa qua với bối cảnh trong nước, quốc tế có nhiều đặc thù, nổi bật là: thời gian hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn (chỉ bằng 2/3 bình thường); tình hình thế giới và khu vực tiếp tục tác động tiêu cực việc phát triển đất nước, bên cạnh đó có thời cơ, như Trung Quốc mở cửa, trong lúc khó khăn này chúng ta tranh thủ mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Trong nước nổi lên các vấn đề liên quan áp lực lạm phát, các thị trường như thị trường bất động sản… Bên cạnh đó, chúng ta đã phục vụ cho kỳ họp bất thường của Quốc hội, tổng kết năm 2022 và triển khai công tác năm 2023, triển khai các Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Chính phủ với các địa phương hồi đầu tháng 01; tổ chức cho nhân dân đón Tết, triển khai tích cực các công việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023… Thủ tướng đề nghị đánh giá kỹ, bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành để đạt hiệu quả, hạn chế tối đa khó khăn, bất cập.
Về công tác tháng 02, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích dự báo những tình hình mới nổi, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đạt kết quả tốt nhất, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hạn chế tối đa những tiêu cực từ bên ngoài tác động nền kinh tế chúng ta; phát huy tối đa mặt mạnh, làm được của năm 2022 và nhất là tháng 01/2023, trên cơ sở đó thúc đẩy, cổ vũ toàn hệ thống các cơ quan hành pháp và cả hệ thống chính trị tập trung phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần phục hồi nhanh, phát triển bền vững ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, giải quyết những vấn đề ách tắc, vướng mắc, tháo gỡ những vấn đề mà doanh nghiệp, nhân dân đang gặp khó khăn. Chúng ta cũng đặt nền tảng cho tháng 02 và các tháng tiếp theo phục hồi nhanh, phát triển bền vững, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Kết luận của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ…
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dành nhiều công sức, trí tuệ đóng góp để sát tình hình thực tế, khả thi, mang tính hiệu quả cao, trên cơ sở đó chúng ta thống nhất, tập trung làm trọng tâm, trọng điểm làm các công việc của tháng 02 cũng như hướng đến các tháng sắp tới.
PV