Cùng dự có Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ, Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh, cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và địa phương tỉnh Lai Châu.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lời chúc sức khỏe tới Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân tỉnh Lai Châu. Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ Chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu sẽ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 cao hơn năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu

Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển KTXH, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại, xuất nhập khẩu. Thuận lợi phát triển kinh tế biên mậu với đường biên giới dài trên 265 km giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hiện có 01 cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; 01 cặp cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoàng và 06 lối mở. 

Trong thời gian qua mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó, tăng trưởng được thúc đẩy tổng sản phẩm thu nhập trên địa bàn bình quân giai đoạn 2021 - 2023tăng 3,91%/năm. 

Cơ cấu kinh tế của Lai Châu chuyển dịch tích cực, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Xây dựng nông thôn mới của Lai Châu đạt kết quả tích cực; du lịch được quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khách du lịch tăng bình quân 33,2%/năm vượt mục tiêu của nhiệm kỳ, tăng bình quân 20%/năm.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo của Lai Châu có nhiều tiến bộ, đời sống của Nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy Lai Châu đề xuất kiến nghị 02 nhóm vấn đề về hoàn thiện thể chế và phát triển KTXH, đảm bảo QPAN trên địa bàn, trong đó đề nghị về việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu (CT.13); tuyến nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đầu tư hầm đường bộ qua Đèo Khau Co; Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ thành phố Lai Châu đến cửa khẩu Ma Lù Thàng...

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của tỉnh và lãnh đạo các bộ ngành, phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lai Châu, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng đã chỉ rõ tiềm năng thế mạnh và những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của tỉnh như quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng chưa cao; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế chưa rõ nét. Nguồn thu của Lai Châu chưa đủ chi; xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn và thiếu tính ổn định...

Trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, Tỉnh cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Đề nghị Lai Châu phát triển nông nghiệp chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, tập trung vào dược liệu, cây công nghiệp, sản xuất các mặt hàng sản phẩm có thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh Lai Châu; Về công nghiệp tập trung cho chế biến sản phẩm, sản phẩm có lợi thế của Lai Châu để chúng ta phát triển nhanh nhưng phải bền vững, nhất là công nghiệp về phát triển điện năng, công nghiệp khai khoáng phải phát triển bền vững và  tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; định hướng thứ ba và dịch vụ là phải có đột phá, mà đột phá ở đây là về du lịch, sinh thái, bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Lai Châu, đặc biệt là khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh Lai Châu là ở độ cao trên 1500 mét và cao nguyên Sìn Hồ, rồi phát triển dịch vụ về thương mại, điện tử và thương mại biên giới. Tôi đề nghị định hướng phát triển nó phải rõ như thế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về giải pháp Thủ tướng yêu cầu, tỉnh tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh. "Về giải pháp tôi thấy phải thực hiện 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, nhưng mà lại phải tập trung vào mấy cái một là phát triển hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông, đây là yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài của tỉnh Lai Châu; Vấn đề thứ hai là chúng ta phải ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nhanh, phát triển bền vững và tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; Vấn đề thứ ba là huy động nguồn lực, giải pháp huy động nguồn lực thì phải tổng thể phải đa dạng và phải sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công tư. Vấn đề thứ tư là chúng ta phải giữ được đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Thứ năm, về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng đảng trong sạch, nâng cao năng lực sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên chống tiêu cực tham nhũng".

Cùng với đó, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Giữ vững an ninh, quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về phát triển kinh tế; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, truyền thông. 

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

Về các kiến nghị của Tỉnh Lai Châu trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Trước đó, cũng trong sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lai Châu tại Quảng trường Nhân dân ở thành phố Lai Châu.

Thủ tướng và Đoàn công tác tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; nguyện tiếp tục ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng tỉnh Lai Châu ngày càng giàu đẹp, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Theo VOV