Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, gây thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Tại Bắc Giang, lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nước dâng cao trên các con sông lớn, nhiều nơi bị ngập lụt, cô lập, chia cắt nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều gia đình trong tỉnh.
Lúc 18h ngày 9/9, mực nước trên sông Cầu tại Trạm thủy văn Đáp Cầu 5,53 m (trên báo động 2 là 0,23 m); nước trên sông Thương tại Trạm thủy văn Phủ Lạng Thương 6,11 m (trên báo động 2 là 0,81 m); trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,6 m (trên báo động 3 là 0,3 m).
Dự báo mực nước trên các sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam tiếp tục lên và duy trì ở mức trên báo động 3. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang vừa phát lệnh báo động số 3 trên sông Thương…
Trong ngày 9/9, lực lượng chức năng tại Bắc Giang đã kịp thời hỗ trợ nhiều người dân di dời đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động 4.627 lượt cán bộ, chiến sĩ với 74 ô tô các loại, 10 xuồng cao tốc tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương…
Thiệt hại sơ bộ do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 300 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã có một người thiệt mạng do thiên tai.
Tại Bắc Giang, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên.
Đây là xã nằm ven sông Cầu, có 9.000 dân, đang bị chia cắt.
Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai; rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực mất an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở.
Để nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế... bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình nhân dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch, tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm, lương khô và các nhu yếu phẩm đến tận tay người dân; lực lượng quân đội, công an, chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm… trong thời gian nhanh nhất có thể, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Theo chinhphu.vn