Lễ khởi công được triển khai đồng loạt tại 12 điểm cầu, trong đó điểm cầu trung tâm được đặt tại Quảng Ngãi, hai điểm cầu chính được tổ chức tại Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác.

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có tổng chiều dài 729 km, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h, đi qua 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) và được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Tổng mức đầu tư khoảng 147 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 tại điểm cầu Quảng Ngãi, sáng 1/1/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 tại điểm cầu Quảng Ngãi, sáng 01/01/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026. Đến nay, mặt bằng của toàn bộ 12 dự án thành phần đã được bàn giao 70%, đáp ứng yêu cầu khởi công.

Dự án có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành phố, các vùng kinh tế trọng điểm. Đặc biệt, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân.

Tuyến cao tốc dự kiến hoàn thành cơ bản năm 2025 và khai thác vào 2026, giúp nối liền toàn trục cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau (đoạn từ Lạng Sơn tới cửa khẩu Hữu Nghị chưa đầu tư).

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, 12 dự án đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù.

Trong gần 01 năm, một khối lượng công việc lớn đã được giải quyết, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật toàn bộ 12 dự án, rút ngắn 1/2 thời gian làm thủ tục so với cách làm trước đây.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối thủ đô Hà Nội và TP. HCM, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát động “Phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường xây dựng công trình giao thông”; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát động “Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công”.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh có tuyến đường đi qua; nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thiết kết, tư vấn giám sát phát biểu hưởng ứng Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công, khẳng định quyết tâm và cam kết thi công tuyến đường đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, tiết kiệm...

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng như các tỉnh trong vùng dự án, phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc thống nhất chủ trương để Bộ GTVT tổ chức đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021  -2025. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tin tưởng rằng khi tuyến cao tốc này hoàn thành đưa vào khai thác sẽ là đòn bẩy tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh duyên hải miền Trung để bắt kịp với sự phát triển chung của cả nước và đây cũng chính là cụ thể hóa Nghị quyết số 26 ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Về trách nhiệm của địa phương, xin cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi xác định công tác giải phóng mặt bằng cho dự án là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và quyết tâm bàn giao 100% mặt bằng cho Chủ đầu tư dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi cũng cam kết chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng các mỏ vật liệu nhằm cung cấp kịp thời, đảm bảo khối lượng thi công dự án và sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh“, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh. 

Phát biểu tại lễ khởi công ở điểm cầu trung tâm Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng cho biết, ngày đầu tiên của năm 2023, tại mảnh đất Quảng Ngãi giàu truyền thống cách mạng, có bề dày lịch sử, văn hóa và 11 địa điểm khác đã diễn ra đồng loạt Lễ khởi công xây dựng 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án cao tốc Bắc - Nam là hành lang vận tải hạ tầng quan trọng của cả nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành một nguồn lực lớn đầu tư cao tốc để đến năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và 5.000km vào năm 2030. Từ năm 2000 - 2020, nước ta chỉ tổ chức làm trên dưới 1.000km cao tốc. Tuy nhiên, từ nay đến 2025 có thêm 2.000km cao tốc, như vậy trong 5 năm tới sẽ làm đường bộ cao tốc bằng 2 lần của 20 năm trước, 10 năm làm bằng 4 lần của 20 năm trước.

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có dự án đi qua thực hiện nghi thức khởi công. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có dự án đi qua thực hiện nghi thức khởi công. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Cho rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn, tuy nhiên, Thủ tướng tin tưởng làm được vì có kinh nghiệm, trưởng thành từ nhà tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, cấp lãnh đạo quản lý, sự vào cuộc của nhân dân các khu vực nơi dự án đi qua.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.

Các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND 32 tỉnh, thành phố có dự án đi qua phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chỉ đạo, thành lập các tổ công tác để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới mỏ vật liệu.

 PV (T/H)