Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trình Thủ tướng trước ngày 31/8/2017.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo trách nhiệm trong vụ nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả - Hình 1

Các bị cáo trong vụ Pharma được đưa ra xét xử (Ảnh: tienphong.vn)

Trước đó, ngày 21/8, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh và làm giả con dấu, tài liệu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma do Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma) cùng đồng phạm thực hiện.

Theo đó, VN Pharma đã nhập khẩu hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500 mg (là thuốc chữa ung thư) về kho. Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500 mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người...

Ngày 22/8, TAND TPHCM TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại công ty CP VN Pharma.

Hồ sơ thể hiện Bùi Ngọc Duy - nguyên trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma - dùng các con giấu giả của công ty Helix Cannada để đóng lên các hồ sơ giả, trình cho Cục quản lý dược, Bộ Y tế. Khi vụ việc bị phát hiện, Duy lấy con dấu công ty này mang vứt bỏ.

Tại tòa, Duy lý giải việc vứt con dấu là do “dọn dẹp phòng cho sạch sẽ”. Không chấp nhận lời khai này, đại diện Viện Kiểm sát nói: “Bị cáo khai như vậy trẻ lên 3 nghe cũng không được. Đây là tài sản công ty, không phải muốn vứt bỏ là vứt”.

Theo bị cáo Phạm Văn Thông, trong tháng 5/2013, công ty VN Pharma có nhờ bị cáo soạn tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm cho thuốc trị ung thư H-Capita. Khi bị cáo nhận lời, VN Pharma đã gửi cho bị cáo các tài liệu pháp lý.

Bị cáo Thông cho rằng lúc biên soạn hồ sơ, không biết tài liệu pháp lý của sản phẩm H- Capita là tài liệu giả. Sau này khi làm việc với cán bộ điều tra thì bị cáo mới biết. Trên thực tế, quá trình soạn hồ sơ xin cấp phép nhậu khẩu thuốc, không chỉ có một mình bị cáo Thông mà còn có các dược sĩ khác tham gia viết hồ sơ.

Tổng cộng có 7 sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép, trong đó bị cáo Thông chỉ viết 1 sản phẩm, còn 6 sản phẩm kia là các dược sĩ khác viết. Bị cáo đặt vấn đề tại sao hai dược sĩ kia được miễn truy tố, còn bị cáo chỉ soạn 1 sản phẩm là - H-Capita trị ung thư thì lại bị truy tố?

Dựa trên hồ sơ các bị cáo viết, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu đối với 7 loại thuốc. Tất cả các loại thuốc này đều ở dạng bào chế tiêm truyền tĩnh mạch, đều do công ty Helix Canada sản xuất và công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu.

Sau phần xét hỏi, Viện KSND nhận định, Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc nộp cho Cục Quản lý dược - Bộ Y tế để nhập khẩu 200.000 hộp thuốc. Trong đó có 9.300 hộp thuốc H – Capita 500mg dùng để điều trị bệnh ung thư giả không rõ nguồn gốc, không đủ điều kiện cho người.

Ngoài ra, Hùng còn sử dụng con dấu, chữ ký của hai công ty nước ngoài để làm giả hợp đồng mua bán nhập khẩu nhiều loại thuốc khác, sau đó nâng khống giá so với thực tế. Số tiền hơn 2 tỷ đồng chênh lệch do nâng khống giá thuốc, Hùng chỉ đạo nhân viên chi cho các bác sĩ để họ kê đơn cho bệnh nhân sử dụng thuốc của công ty mình nhập khẩu.

Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty hàng hải quốc tế H&C) là người giới thiệu bán thuốc cho Hùng để hưởng chênh lệch 2 tỷ đồng. Cường còn cung cấp cho công ty của Hùng giấy chứng nhận đạt chuẩn, lưu hành của lô thuốc của công ty dược Canada được hợp pháp hóa lãnh sự.

Theo Viện KSND, lời khai của các bị cáo phù hợp với hành vi phạm tội theo cáo buộc của cơ quan điều tra. Là người đứng đầu hai công ty, Hùng và Cường giữ vai trò cầm đầu và phải chịu trách nhiệm cao nhất về hành vi buôn lậu lô hàng 9.300 hộp thuốc trị ung thư giả.

Trong vụ án, Duy là một trong những người liên hệ với bị cáo Thông để làm giả hồ sơ, song bị cáo không thừa nhận. Sự trao đổi này đã được cơ quan điều tra làm rõ thông qua các nội dung email. Bị cáo Duy đã giúp VN Pharma đóng dấu vào nhiều hồ sơ kỹ thuật. Sau khi sự việc phát hiện, bị cáo chính là người vứt bỏ con dấu.

Thông thừa nhận được Duy thuê viết hồ sơ với thù lao là 2.000 USD. Dù phía VN Pharma không cung cấp được tài liệu nhưng bị cáo Thông đã dựa vào hồ sơ thuốc của các loại tương tự có nguồn gốc từ Mỹ để viết cho Duy. Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu thu giữ và thẩm vấn tại tòa có đủ căn cứ buộc các bị cáo đã thực hiện hành vi sai phạm.

Từ đó, Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường mức án từ 10 -12 năm tù, bị cáo Nguyễn Trí Nhật mức án từ 8 -9 năm tù, bị cáo Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma), Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng VN Pharma) mức án 4- 5 năm tù về tội buôn lậu.

Các bị cáo Bùi Ngọc Duy (nguyên trưởng phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma) và Phạm Văn Thông (dược sĩ) bị đề nghị mức án 2-3 năm tù, Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Sapharco) mức án 2-3 năm tù cho hưởng treo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Duy Thế (t/h)