Theo đó, Chính phủ nhận định cung ứng điện giai đoạn cuối mùa khô 2023 vừa qua gặp khó khăn. Khu vực miền Bắc xảy ra tình trạng thiếu điện, phải cắt luân phiên từ cuối tháng 5 đến 22/6. Việc này đã ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy tại các khu công nghiệp phía Bắc bị cắt điện trong nhiều giờ, liên tục trong tuần.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD vì đợt mất điện vừa qua tại các tỉnh phía Bắc. EVN cho biết sẽ kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục. Tập đoàn này cũng đang tính toán, phân tích kịch bản và nghiên cứu giải pháp để thực hiện tốt hơn cung ứng điện các năm tới.
![Thường trực Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến thiếu điện. Thường trực Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến thiếu điện.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/08/17/dien-7260-2026-2509-1692278340.jpg)
Vì vậy trên cơ sở cuộc họp về đảm bảo cung ứng điện, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến thiếu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt để có hình thức xử lý theo đúng quy định.
Để bảo đảm kế hoạch cung ứng điện những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch; chỉ đạo vận hành ổn định và khắc phục nhanh các sự cố đối với các nguồn điện.
Theo đó, yêu cầu khai thác tối đa, hiệu quả nguồn khí tự nhiên trong nước để sản xuất điện; Cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy nhiệt điện và điều hành nguồn nước đối với các nhà máy thủy điện; ưu tiên nhập khẩu điện, mua than của Lào để bảo đảm cung ứng đủ điện, đáp ứng yêu cầu hiệu quả…
Bộ Công Thương cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi, tối ưu tổng thể.
Về làm đường dây truyền tải, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng Dự án đường dây truyền tải 500kV từ Quảng Trạch ra các tỉnh Bắc Bộ (đến Phố Nối), đảm bảo phải hoàn thành trong tháng 6/2024 để tăng cường năng lực truyền tải ra các tỉnh Bắc Bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng năm 2024.
Văn bản nêu rõ, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ hoàn thành nêu trên. Bộ này cũng được yêu cầu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, chế tài xử lý các dự án chậm tiến độ, không để xảy ra thiếu điện do chậm tiến độ các dự án nguồn và lưới điện.
Với các dự án nguồn, lưới điện chậm tiến độ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền chế tài xử lý.
Để giải quyết những vướng mắc về phát triển nguồn điện, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có hướng dẫn UBND thành phố Cần Thơ, EVN, PVN về chuyển chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện Ổ Môn III và Ô Môn IV theo quy định; hoàn thành trước ngày 20/8/2023. Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về chuyển giao nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 theo đề nghị của EVN.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát EVN, TKV, PVN; chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc vận hành ổn định và khắc phục nhanh các sự cố (nếu có) đối với các nguồn điện của EVN, PVN và TKV. Còn EVN, PVN, TKV thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan vận hành hệ thống điện quốc gia, đầu tư phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả…
Thiên Trường