Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa có văn bản số 10102/BCT-DKT gửi Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xuất khẩu than năm 2021 của TKV và TCTĐB.

Cụ thể, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, TKV và TCTĐB sẽ đẩy mạnh nhập khẩu các chủng loại than phù hợp, có giá cạnh tranh với khối lượng than nhập khẩu dự kiến năm 2021 khoảng 15 triệu tấn về pha trộn để được các chủng loại than đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện.

Bên cạnh đó, TKV và TCTĐB kiến nghị kế hoạch xuất khẩu than năm 2021 của hai đơn vị là 1,55 triệu tấn.

Đối với TKV, tổng khối lượng than xuất khẩu tối đa 1,5 triệu tấn. Trong đó, than cục các loại là 500.000 tấn, than cám 1, 2, 3 là 1 triệu tấn. Đối với TCTĐB, tổng khối lượng than xuất khẩu tối đa là 50.000 tấn gồm 30.000 tấn than cục các loại và 20.000 tấn than cám 1, 2, 3.

Theo Bộ Công Thương dựa vào kết quả cân đối cung cầu than hiện nay, giai đoạn đến năm 2030 Việt Nam sẽ dư thừa gần 2 triệu tấn/năm các loại than cục, than cám 1, 2, 3 trong nước do chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết.

Đây là các loại than phù hợp cho công nghệ luyện thép chất lượng cao (thép không gỉ) của Nhật Bản, Hàn Quốc....

Bộ Công thương nhận định, chủng loại và khối lượng than TKV và TCTĐB đề nghị xuất khẩu cho năm 2021 phù hợp với chủng loại và khối lượng than mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết, phù hợp với quan điểm phát triển ngành than về xuất khẩu than đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo Bộ Công thương, nếu xuất khẩu than cám 1, 2, 3 thì giá trị kinh tế thu về sẽ cao hơn khoảng 50.000 - 210.000 đồng/tấn so với tiêu thụ tại thị trường trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho ngành than và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các đơn vị.

Ngọc Khánh