Phát biểu tại hội thảo, TS. Hồ Thắng, giám đốc sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: thực tiễn cho thấy, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ là rất quan trọng đối với mỗi DN. Tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu. Những DN không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ, kinh doanh theo phương thức truyền thống sẽ có nguy cơ bị loại khỏi thị trường rất lớn.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được tiếp cận sự hỗ trợ còn rất ít. Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Trung ương, qua thực tế cho thấy, quá ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia.
Tại hội thảo, TS Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Sau khi trải qua 4 cơn đại dịch COVID19, DN gặp rất nhiều khó khăn trong SXKD, nhiều DN trong ngành DL phải dừng hoạt động, nhưng chính công nghệ số lại là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp, vì nó tạo động lực cho doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với cú sốc Covid-19.
Tại Việt Nam năm 2020, có khoảng 48% doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển sang các nền tảng số để đáp ứng với dịch bệnh Covid-19. Con số này tăng lên 59% vào tháng 10/2020. Trong khi đó, chỉ có 5% doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp số và 7% sắp xếp lại các tổ hợp sản phẩm. Qua các chỉ số này cho thấy: “việc sử dụng công nghệ 4.0 ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu”. Việc chưa coi trọng yếu tố công nghệ mới hiện nay vẫn còn tồn tại trong nhận thức của DN. Theo đó yếu tố về công nghệ được xếp hàng thứ 5 về tầm quan trọng, sau các yếu tố: thị trường, nguồn tài chính, chiến lược kinh doanh, nguồn nhân lực. Trong khi đó, các DN hàng đầu thế giới đã xác định: yếu tố công nghệ chiếm vị trí hàng đầu trong việc quyết định thành công của DN. Điều này cho thấy, các DN Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ những vấn đề liên quan đến đổi mới thiết bị, công nghệ, đặc biệt Công nghệ số .
Với Thừa Thiên Huế, hiện mới có 1/3 doanh nghiệp đã chuyển sang những nền tảng số để đáp ứng bối cảnh mới. Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Thừa Thiên Huế cần phải chuẩn bị cho sự chuyển đổi số tốt hơn vì nó là một công cụ để tăng tốc độ, tăng năng suất cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng thích ứng và phát triển hoạt động kinh doanh mới.
Trần Hoàng Minh Nghĩa