Phát biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, về Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 2; gần 9 năm thực hiện Kết luận 42 của Tỉnh ủy, kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được quan tâm đầu tư; một số công trình, dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên theo ông Lưu nhìn nhận tổng thể, việc phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, vẫn còn thiếu các dự án mang tính động lực, đột phá, các dự án FDI đầu tư vào Khu kinh tế còn ít.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho rằng, do còn thiếu quyết liệt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc phát triển Khu kinh tế còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, nhất là trong giải quyết các thủ tục; thu hút, xúc tiến đầu tư; giải phóng mặt bằng và việc xử lý các sai phạm hành chính trong xây dựng, đất đai, môi trường.
Về hoạt động giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025: Theo báo cáo, bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm là 0,98%, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo do Chính phủ giao 0,87%/năm và Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra 0,9%/năm.... Tuy nhiên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang; một bộ phận nhân dân còn trông chờ, ỷ lại trong tự thoát nghèo,… Từ đó nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảm bảo đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2 - 2,2% và tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước.
Về chuyển đổi số: Thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; bước đầu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin; thúc đẩy phát triển chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin…. Hạn chế là doanh nghiệp, người dân chưa có sự chuyển biến, chưa thấy được lợi ích của công cuộc chuyển đổi số. Hoạt động kinh tế số chưa định hình rõ; doanh thu và đóng góp của kinh tế số vào tổng sản phẩm trên địa bàn không đáng kể; nguồn nhân lực cho kinh tế số, xã hội số còn hạn chế…
Trần Minh Tích