Nhiều dự án (DA), sau khi cấp phép tại KKT Chân Mây - Lăng Cô (CM - LC) nhưng chậm triển khai đã được tỉnh Thừa Thiên Huế quyết liệt thu hồi thời gian qua. Song vẫn còn những DA “treo” quá lâu năm đang tồn tại khiến chính quyền địa phương và người dân bức xúc.
Tính đến đầu năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định thu hồi 6 dự án khu du lịch (DAKDL) ở KKT CM -LC, gồm: DAKDL sinh thái biển Lăng Cô của CTCP Du lịch sinh thái Lăng Cô; DAKDL nghỉ mát sinh thái biển Diana của CTCP Dịch vụ đầu tư và Thương mại Việt; DA Khu liên hiệp nghỉ dưỡng Conic - Lăng Cô của CTCP Xây dựng đầu tư Gia Minh - Conic; DAKDL quốc tế Thuận Phong của Cty TNHH Thương mại dịch vụ Thuận Phú…
Ông Nguyễn Quê, Phó ban quản lý Khu Kinh tế - Công nghiệp (KKT - CN) tỉnh cho biết: Ngoài 6 DA nằm trong danh sách thu hồi trong năm 2016, thời gian tới, BQL KKT - CN tỉnh tiếp tục rà soát các DA chậm tiến độ còn lại và đề xuất hướng xử lý, báo cáo UBND tỉnh.
Rừng dẻ ven biển được cấp phép cho DA sân Golft nhưng chưa triển khai được
Theo ông Quê, giải pháp trọng tâm được BQL KKT - CN tỉnh đưa ra trong thời gian đến, khi kêu gọi đầu tư là đẩy mạnh thẩm định các DA, nhằm thu hút các DA đầu tư có chất lượng. Tập trung ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu và kinh nghiệm trong đầu tư các DA cùng lĩnh vực; tăng cường công tác thẩm định về năng lực tài chính. Đối với các DA lớn, xem xét về cam kết cho vay của các tổ chức tín dụng; thực hiện biện pháp ký quỹ đảm bảo thực hiện DA đầu tư đối với các DA được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất…
Tuy giải quyết triệt để nhưng hiện vẫn còn một số DA treo khác kéo dài nhiều năm vẫn đang “án binh bất động” gây lãng phí tài nguyên đất và gây khó khăn cho người dân. DA Khu du lịch xanh Lăng Cô của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam làm chủ đầu tư được UBND tỉnh cấp phép năm 2004 tại thị trấn Lăng Cô (H. Phú Lộc). Công trình có tổng mức đầu tư gần 170 tỷ đồng, tổng diện tích đất được cấp là 6,36 ha. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2008. Tuy nhiên, đã 12 năm trôi qua nhưng công trình vẫn đang “trùm mền”.
Ông Trần Văn Giảng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lăng Cô từng nói: Khi DA được cấp phép đầu tư, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều, bởi khi DA hoàn thành đưa vào sử dụng, sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo diện mạo mới cho đô thị Lăng Cô. Tuy nhiên đến nay, DA này vẫn án binh bất động khiến chúng tôi không khỏi bức xúc. Đó là chưa nói, DA bỏ hoang không có người trông coi, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Nói về DA treo cả hơn thập kỷ này, ông Lê Văn Tuệ, Phó ban quản lý KKT - CN tỉnh cho biết, DA này cũng sắp thu hồi.
Nằm trong khu quy hoạch KKT CM - LC, DA sân golf Phong Phú - Lăng Cô do CTCP Đầu tư phát triển Phong Phú - Lăng Cô làm chủ đầu tư được cấp phép xây dựng trên diện tích khoảng 280 ha đất tại xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Trong số đó, có khoảng 230 ha rừng dẻ phòng hộ ven biển và diện tích còn lại thuộc đất sản xuất, nhà ở của người dân thôn Phú Hải 2. Tuy nhiên, sau khi đo đạc đất đai, nhà cửa và kiểm kê tài sản vào tháng 5/2012, cho đến nay chủ đầu tư đã bỏ mặc DA. Cũng từng ấy thời gian hơn 80 hộ dân ở thôn Phú Hải 2 (xã Lộc Vĩnh) phải sống trong cảnh khổ sở vì nhà cửa, đất đai, vườn tược... đều bị “treo” theo dự án sân golf.
Ông Lê Văn Tuệ cho biết, vừa qua, BQL KKT - CN tỉnh có làm việc với chủ đầu tư DA sân golf Phong Phú - Lăng Cô và đã đồng ý cho chủ đầu tư gia hạn thêm 6 tháng nữa. “Có nghĩa là đến tháng 6-2017 mà chủ đầu tư vẫn không tiến hành đền bù và không hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công thì BQL sẽ tham mưu để UBND tỉnh thu hồi giấy phép đối với DA này”, ông Tuệ khẳng định.
Cũng theo ông Tuệ, việc một số DA đã được cấp phép nhưng chậm triển khai đã kéo theo nhiều hệ lụy nào là cuộc sống của người dân khó khăn, nhà cửa bất an, ảnh hưởng đến KT-XH vì hiệu quả kinh tế giảm…
Đình Duy