Thực tế, những năm qua, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các đối tác Hàn Quốc phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ đến từ Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc trong phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, cho đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận và triển khai hiệu quả 06 dự án sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc với tổng số tiền khoảng 55 triệu USD để đầu tư phát triển hạ tầng y tế, quy hoạch đô thị, phát triển du lịch và văn hóa. Đặc biệt, vào đầu năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế và KOICA đã ký kết Biên bản trao đổi về Dự án "Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh" với nguồn vốn ODA không hoàn lại 13 triệu USD, vốn đối ứng 1,8 triệu USD, triển khai trong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phát triển du lịch thành phố Huế và xây dựng hệ thống thông tin du lịch thông minh và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Gần đây nhất là Biên bản trao đổi với KOICA về Dự án “Làng hòa bình Việt Nam – Hàn Quốc” với nguồn vốn ODA không hoàn lại 3,2 triệu USD dành cho tỉnh Thừa Thiên Huế và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Trong lĩnh vực FDI, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 110 dự án FDI với tổng nguồn vốn trên 4 tỉ USD, trong đó Hàn Quốc có 15 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 55,58 triệu USD tập trung các lĩnh vực về dịch vụ, may mặc, hạ tầng các khu công nghiệp. Thừa Thiên Huế cũng mới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển đô thị thông minh với Tập đoàn Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc để đầu tư và thực hiện các nghiên cứu về phát triển đô thị và khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô và các công trình đô thị khác do tỉnh quản lý,…
Về hợp tác cấp địa phương, trong thời gian vừa qua, một số cơ quan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết thỏa thuận hợp tác/kết nghĩa với các địa phương Hàn Quốc, như thành phố Huế với thành phố Gyeongju; quận Dongnae, thành phố Busan; thành phố Namyangju; Huyện Phong Điền với huyện Uljin, tỉnh Gyeongsangbuk;... Các hoạt động hợp tác cấp địa phương nhận được sự hưởng ứng của nhân dân hai bên, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên nhìn nhận lại cả Thừa Thiên Huế và Hàn Quốc đều nhận thấy các dự án FDI đầu tư vào Thừa Thiên Huế quá ít, chưa tương xứng với mối giao tình, kết nghĩa giữa các địa phương cũng như doanh nghiệp Hàn Quốc.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng thực tế cho thấy trong đó có những điểm nghẽn cần lưu ý như dự án mời gọi đầu tư chưa phù hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc; chiến lược kêu gọi đầu tư chưa dài hơi, thiếu cụ thể; nhiều dự án đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đang triển khai trên địa bàn găp nhiều vướng mắc nhưng giải quyết chậm khiến nhà đầu tư chưa thật tin tưởng…… Thấy được điểm yếu của mình cũng như để tăng tốc trong kêu gọi đầu tư nước ngoài nhất là đối tác Hàn Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương tại Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc – Khu vực miền Trung và Tây Nguyên” do Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức mới đây tại tỉnh Bình Định (ngày 13/5). Ông Phương đã khẳng định: Thừa Thiên Huế còn rất nhiều tiềm năng to lớn về hợp tác đầu tư, phát triển, có nhiều lợi thế so sánh, đặc biệt là vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, tính liên kết vùng chặt chẽ. Thừa Thiên Huế luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư, các đối tác Hàn Quốc đến hợp tác và đầu tư vào Thừa Thiên Huế và luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án tại địa phương.
Với vị trí dẫn đầu toàn quốc chỉ số PAPI và thứ 8 toàn quốc trong bảng xếp hạng PCI năm 2021 vừa mới công bố, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nỗ lực và cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về thủ tục hành chính nhanh gọn, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; áp dụng các chính sách ưu đãi theo hướng cao nhất của khung pháp luật cho phép và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh dành cho các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh: Mong rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được đón nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến khảo sát, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng nhau xây dựng một vùng đất không chỉ mang chiều sâu văn hóa lịch sử của Việt Nam mà còn văn minh hiện đại, hướng đến chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Minh Tích