Ông Hoàng Việt Trung- Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế (bên trái) thăm Đại sứ quán Pháp (ảnh VP UBND tỉnh cung cấp)
Ông Hoàng Việt Trung- Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế (bên trái) thăm Đại sứ quán Pháp (ảnh VP UBND tỉnh cung cấp).

Được biết, Đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế gồm các ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Nguyễn Huy Thái, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và một số nhà bảo tang cổ vật tại Pháp

Theo thông tin của Đại sứ Đinh Toàn Thắng, hiện nay ở Pháp còn lưu giữ nhiều hiện vật, cổ vật lịch sử, đặc biệt liên quan đến Triều Nguyễn tại một số bảo tàng như Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Cernuschi, Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Quai Branly, Trường Viễn Đông Bác cổ…. Ông khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Thừa Thiên Huế trong việc kết nối với các bảo tàng, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và chuyên gia bảo tồn để tìm kiếm nguồn tư liệu lịch sử mà Thừa Thiên Huế quan tâm, cũng như thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Thừa Thiên Huế với các đối tác Pháp.

Quang cảnh buổi làm việc (ảnh VP UBND tỉnh TT Huế cung cấp)
Quang cảnh buổi làm việc (ảnh VP UBND tỉnh TT Huế cung cấp).

Ông Thắng cho biết thêm, bên cạnh quan hệ hợp tác về bảo tồn, bảo tàng và tư liệu, tỉnh Thừa Thiên Huế có thể phát huy các thế mạnh của mình để tham gia thúc đẩy, phát triển các mối quan hệ song phương giữa hai nước, nhất là tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội vào đầu tháng 12 tới cũng như tổ chức các sự kiện, hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp vào năm 2023.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định Thừa Thiên Huế đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác Pháp và quốc tế như Trường Viễn Đông Bác cổ, UNESCO, một số chuyên gia Pháp như nhà nghiên cứu lịch sử Amandine Dabat, chắt của Vua Hàm Nghi trong công tác tìm kiếm hiện vật, tư liệu lịch sử về Việt Nam. Thừa Thiên Huế cũng sẽ thúc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Pháp trong năm 2023 để tổ chức Hội thảo quốc gia nhằm kỷ niệm 100 năm ngày mất của Vua Hàm Nghi, phối hợp với UNESCO kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản thế giới.

Thăm Bảo tàng Cernuschi (Bảo tàng nghệ thuật châu Á của thành phố Paris)
Thăm Bảo tàng Cernuschi (Bảo tàng nghệ thuật Châu Á của thành phố Paris).

Ông Hoàng Việt Trung mong muốn Đại sứ quán tại Pháp quan tâm giới thiệu cho tỉnh Thừa Thiên Huế và hỗ trợ liên lạc với một số nhà sưu tập tư nhân và chuyên gia bảo tồn Châu Âu và Pháp để tìm kiếm nguồn tư liệu liên quan đến Triều Nguyễn đang ở Pháp đưa về Việt Nam; là cầu nối giữa kiều bào và Di sản Huế để có thể tiếp nhận nhiều tác phẩm, tài liệu của cha ông.

Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Bảo tàng Cernuschi (Bảo tàng nghệ thuật Châu Á của thành phố Paris). Tại đây, đoàn đã được Bà Anne Fort - Giám đốc, chuyên gia bảo tồn, phụ trách các bộ sưu tập Việt Nam và Trung Á giới thiệu các mục lục, sách catalogue về các bộ sưu tập của Bảo tàng về Việt Nam, các nguồn tư liệu về Triều Nguyễn - Việt Nam và các bộ sưu tập trưng bày của Việt Nam về khảo cổ học, gốm sứ, tranh; xem tác phẩm điêu khắc gốc "Người đàn bà với hoa hồng" vừa được phục chế thuộc bộ sưu tập của Vua Hàm Nghi (Bảo tàng Cernuschi có 5 tác phẩm của Vua Hàm Nghi). Đồng thời, hai bên đã trao đổi các định hướng hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Cernuschi trong thời gian tới.

                                                                                                                                   Minh Nghĩa