Tại Hội thảo trực tuyến về “Chuyển đổi số chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics", do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức, ông Hardy Diec, Giám đốc Điều hành của FedEx tại Indonesia cho rằng, Covid-19 đã làm gián đoạn dây chuyền cung ứng và thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử. FedEx đã và đang đầu tư triển khai các giải pháp số để hỗ trợ các DN Việt Nam thiết lập chuỗi cung ứng ổn định hơn. Các công cụ này sẽ giúp DN lớn và nhỏ cải thiện hiệu quả hoạt động và sự hài lòng của khách hàng. Quan trọng hơn, trong bối cảnh “bình thường mới” trong đại dịch Covid-19, các giải pháp này sẽ giúp các DN thích ứng được với sự bấp bênh khó lường của đại dịch.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hiện nay, việc tiếp cận và chủ động ứng dụng CNTT mới nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời là chìa khóa để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan. Thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã nghiên cứu và từng bước ứng dụng triệt để CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan như: công nghệ internet kết nối vạn vật (ToT); phân tích dữ liệu lớn (BI); công nghệ di động (mobile platform); công nghệ chuỗi khối (blockchain)…

Đặc biệt, năm 2020, Tổng cục Hải quan đã ứng dụng thành công công nghệ kết nối internet vạn vật trong triển khai Hệ thống seal định vị để giám sát hàng hóa XNK được vận chuyển bằng container.

Đại diện Cục CNTT và Thống kê hải quan nhấn mạnh, CNTT là một trong những nhân tố quan trọng đã giúp Hải quan Việt Nam thực hiện khá thành công Chiến lược cải cách, hiện đại hóa hải quan những năm vừa qua. Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng CNTT, đến nay, thủ tục khai báo, làm thủ tục hải quan đã được điện tử hóa mọi lúc, mọi nơi, việc xử lý thông quan hàng hóa cũng đã được tự động hóa trong cả 3 khâu trước, trong và sau thông quan đưa hàng hóa ra khỏi khu vực kiểm soát.

Trong đó đã có nhiều khâu nghiệp vụ cốt lõi của cơ quan Hải quan như: công tác thu, nộp ngân sách nhà nước được điện tử hóa theo phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, qua đó rút ngắn được thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng XNK; công tác quản lý, giám sát hàng hóa XNK tại cảng biển, cảng hàng không cũng đã được đổi mới nhờ ứng dụng CNTT, kết nối hệ thống giữa cơ quan Hải quan với cơ quan quản lý cảng và DN; thủ tục hành chính hải quan đã được cắt giảm, đơn giản hóa, hiện đại hóa, với khoảng 90% thủ tục hải quan hiện nay đã được cung cấp theo hình thức dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Ngành Hải quan cũng được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong việc kết nối cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia hiện nay.

Tại hội thảo, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA cho biết, xác định chuyển đổi số là giải pháp phù hợp để khắc phục những khó khăn, gia tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh dịch Covid-19, thời gian qua nhiều DN logistics đang đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số cũng như tăng liên kết để quá trình này được thuận lợi hơn.

Cũng theo ông Đào Trọng Khoa, hiện VLA đã thỏa thuận ban đầu với Tập đoàn FPT và Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) thống nhất cùng thành lập một công ty công nghệ cộng đồng hướng đến phát triển 1 plaform trục để kết nối các ứng dụng công nghệ có sẵn. Theo đó, hiện tại tất cả các khâu đang được khẩn trương thực hiện bởi chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết để khôi phục và phát triển ngành dịch vụ logistics trong điều kiện “sống an toàn” với đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Đào Trọng Khoa cho rằng, nếu chỉ dựa vào mỗi ngành logistics chuyển đổi số thì không thể làm được hết bởi còn phải kết nối với cơ quan Hải quan, hãng tàu, khách hàng để đa dạng dịch vụ. Do đó, để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số và đưa và thực hiện hiệu quả, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc chuyển đổi số, nhất là vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại, vấn đề quản trị kỹ thuật số, thuế đánh vào công nghệ số nhằm khuyến khích phát triển…

 Yên Châu