Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thực phẩm nhập khẩu giá rẻ, liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn?

Hiện nay, tại các hệ thống siêu thị, có nhiều thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thịt bò... được nhập khẩu từ nước ngoài, với giá thành rẻ hơn nhiều so các loại thịt trong nước. Và loại thực phẩm này, cũng là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, liệu rằng thực phẩm nhập khẩu giá rẻ - có đảm bảo vệ sinh an toàn và chất lượng?

Giá rẻ “giật mình”!

Khi được hỏi về mua thực phẩm nhập khẩu an toàn, các bà nội trợ đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, thực phẩm nhập khẩu của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Pháp, Đức... là ưu tiên lựa chọn của họ trong các bữa ăn gia đình, bởi tuy giá cao nhưng chất lượng khá đảm bảo.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới vào cuối tháng 4 vưa qua, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam,  Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ:

Thời gian qua, có thông tin gà đẻ thải loại, giá rất rẻ “đi bộ” từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam. Các loại gà chặt cổ, chặt cánh của Hàn Quốc, chân gà, đùi gà đông lạnh cũng tràn vào nước ta rất nhiều bởi sở thích ăn đùi gà, thịt dai - giòn của người Việt. Đáng nói, những sản phẩm gà đông lạnh nhập khẩu có giá rất rẻ, chỉ bằng 50 - 60% giá so gà lông trắng trong nước. Điều này, khiến người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về chất lượng. 

Theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu & Công luận, tại một hệ thống siêu thị ở Hà Nội, các sản phẩm nhập khẩu như xương, gà dai, da gà, da heo, nội tạng động vật… vẫn được chào bán với giá rất rẻ, chỉ từ 35.000 – 60.000 đồng/kg. Ghi nhận tại một số siêu thị ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, thịt gà trong nước chiếm tỷ lệ lớn trên các kệ hàng, nhưng giá cao gần gấp đôi gà nhập ngoại. Cụ thể, chân gà loại 1, bán với giá 73.000 đồng/kg, đùi gà tháo khớp 69.000 đồng/kg, cánh gà 84.000 đồng/kg (khuyến mãi còn 75.000 đồng/kg), đùi gà CP (sản phẩm được kiểm dịch vệ sinh an toàn từ khâu chọn lọc cho đến khâu sơ chế), có giá 88.000 đồng/kg (khuyến mãi còn 78.000 đồng/kg).

ddddd
Cánh gà đông lạnh được nhập khẩu từ Brazil

Trong khi đó, giá gà nhập khẩu lại rẻ hơn hẳn. Cụ thể, đùi gà đông lạnh nhập khẩu có giá 48.500 đồng/kg, đùi gà dai có giá 60.900 đồng/kg (khuyến mãi còn 54.500 đồng/kg), riêng đùi gà trống xuất xứ từ Mỹ, cũng chỉ gần bằng giá bán của gà trong nước là 69.900 đồng/kg.

Lý giải về giá gà nhập khẩu rẻ bất thường, chị Nguyễn Lan Hương (quận Thanh Xuân) cho biết, sản phẩm giá rẻ có thể được các đầu nậu dán tem và “khoác” cho mác hàng nhập khẩu. Ở nước ngoài, họ không ăn các sản phẩm này, nhưng nhiều người tiêu dùng Việt lại rất thích vì thịt gà dai giòn. Tuy nhiên, chất lượng thịt của loại gà này có đảm bảo độ an toàn hay không, thì chưa biết.

Cần có sự thay đổi

Tại Hội nghị Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới ngày vừa qua, Tổng giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín, Bùi Ðức Huyên nêu:

Người tiêu dùng Việt thích ăn đùi gà hơn lườn gà, trong khi giá trị dinh dưỡng của lườn gà cao gấp 3 lần đùi gà. Bởi vậy, đùi gà nhập khẩu giá rẻ có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.

"Một đơn vị cung cấp thực phẩm cho thị trường Hà Nội chia sẻ với tôi rằng, mỗi tháng họ nhập về 200 tấn đùi gà, nhưng chỉ mua của CP 20 tấn đùi gà tươi", ông Huyên nói.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), 2 năm trở lại đây, tăng trưởng nhập khẩu thịt gia cầm lên tới gần 60%, trong khi tăng trưởng sản xuất trong nước chỉ 6,14%. Năm 2022, đùi gà là sản phẩm được nhập về nhiều nhất với số lượng 100.441 tấn; tiếp đến là lượng chân gà với 43.695 tấn; thịt gà nguyên con khoảng 43.309 tấn; thịt gà xay 25.671 tấn; cánh gà 22.628 tấn; các loại gà khác là 10.832 tấn.

Thịt gà “5 không” như: không đầu, không chân, không nội tạng, không bao bì nhãn mác, không có dấu kiểm dịch…
Thịt gà “5 không” (không đầu, không chân, không nội tạng, không bao bì nhãn mác, không có dấu kiểm dịch) liệu có đảm bảo chất dinh dưỡng, độ an toàn?

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Nguyễn Thanh Sơn cho biết, những con số nêu trên, được thống kê từ nguồn nhập khẩu chính ngạch. Ngoài ra, còn lượng sản phẩm gia cầm tương ứng nhập tiểu ngạch qua biên giới vào nước ta. Ước tính, lượng gà nhập khẩu chiếm khoảng 25% trong tổng lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. "Đây là con số cực kỳ lớn, gây áp lực với sản phẩm gia cầm nội địa, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi tổng cầu giảm, còn tổng cung lại tăng mạnh", ông Sơn nhìn nhận.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Nguyễn Thanh Sơn

Ông Nguyễn Thanh Sơn: "Hiện nay,  có rất nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm, thậm chí sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm…, nhưng vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho con người. Nếu không kiểm soát tình trạng này, thì sản xuất trong nước sẽ vô cùng bất ổn“.

Theo ông Sơn, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta còn dễ dãi và lỏng lẻo. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu. Điều này, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của chúng ta yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

“Đang có thông tin - gà đẻ thải loại "đi bộ" từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam với giá rất rẻ. Do đó, chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới, gà đẻ thải loại nguyên con qua đường tiểu ngạch. Chưa kể, sản phẩm gà đẻ loại chặt cổ, chặt cánh của Hàn Quốc cũng vào nước ta rất nhiều”, lãnh đạo VIPA tiết lộ.

Đáng nói, các sản phẩm gia cầm nhập khẩu có giá rất rẻ nên sản phẩm nội không thể cạnh tranh nổi. Ông Sơn kiến nghị, chúng ta cần có các biện pháp kỹ thuật đủ mạnh để hạn chế nhập khẩu thịt gà đông lạnh.

Dai, ngon, rẻ nhưng liệu có an toàn?

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thịt gà giá rẻ, ngoài gà công nghiệp còn có gà dai, gà ri (nuôi công nghiệp) và đây phần lớn là gà đẻ thải loại. Gà thải (sau khi đã đẻ hết trứng) thường tồn dư nhiều kháng sinh, do đó, dù có giá rẻ cũng nên hạn chế sử dụng thực phẩm này.

Theo chia sẻ của một số chuyên gia y tế, gà đẻ sẽ được tiêm 9 loại vaccine, nhưng bắt đầu khi gà đẻ trứng, thì phải ngừng tiêm các loại vaccine (trừ 2 loại vaccine cúm và vaccine newcastle). Thời gian nuôi gà đẻ dài nên các chất kháng sinh tiêm vào trong cơ thể gà sẽ lắng đọng lại trong thịt. Tất cả các vaccine tiêm cho gà, đều dưới dạng nhũ dầu (chậm tan) để kéo dài miễn dịch. Nếu sử dụng vaccine lỏng, tiêm trực tiếp, thì các chất sẽ ngấm vào thịt gà, người tiêu dùng ăn phải, cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh cho gà, một số người tiêm kháng sinh liên tục trong suốt quá trình gà đẻ trứng. Các loại kháng sinh này, không được đào thải hết ra khỏi cơ thể gà mẹ mà tích tụ dần dần, cho đến khi bị loại thải, thì trong cơ thể gà có quá nhiều thuốc và kháng sinh tồn dư. Về giá trị dinh dưỡng, gà thải gần như không còn nhiều, vì thế, không cho trẻ em, người già yếu sử dụng thực phẩm này.

Ngoài tồn dư kháng sinh, gà thải có hàm lượng mỡ trong thịt cao, ăn nhiều dẫn tới xơ vữa động mạch. Còn về các chất lắng đọng trong thịt, nếu ăn ít thì không có sự ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Do đó, tốt nhất là không nên ăn nhiều loại gà này. Tốt nhất là sử dụng thịt gà được nuôi bằng thực phẩm thông thường như ngô, cám, rau… Đây cũng là loại thịt có giá cao hơn và giàu dinh dưỡng hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 11/5/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội đã tiến hành kiểm tra Công ty Cổ phần Sandycook Việt Nam (có địa chỉ tại LK 19- OCT2, KDT Ressco Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), do bà Hà Thị Hường (SN 1985) làm Giám đốc.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hơn nửa tấn thực phẩm đông lạnh, gồm: 45 kg đùi gà đông lạnh; 31 kg đùi gà hấp; 32 kg gà tẩm bột; 11 kg gà ủ muối nguyên con; 414 kg mỡ động vật đông lạnh. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Hường thừa nhận số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, tính pháp lý của hàng hóa.

Cùng thời điểm, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện khoảng nửa tấn thực phẩm đông lạnh là sản phẩm nội tạng động vật tại dãy nhà N1D3, TDP 1, phường Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), có dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm bao gồm lòng non, kê gà, đuôi heo, hàm, tràng lợn, nầm lợn, ức vịt, mực, má lợn, chân gà, trứng gà non…

Theo tìm hiểu, Công ty CP Sandycook Việt Nam là đơn vị quen thuộc trên thị trường trong lĩnh vực thực phẩm với các sản phẩm ăn liền nổi tiếng, như: Gà ủ muối hoa tiêu, chân giò ủ muối, nem phên nướng, nước chấm nem nướng An An… Hệ thống phân phối của đơn vị này là các siêu thị, hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng… trên khắp cả nước.

Từ kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về những sản phẩm của Sandycook, đã và đang có mặt trên thị trường, có đảm bảo tính pháp lý về nguồn gốc xuất xứ, cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm?

Minh An

Bài liên quan

Tin mới

Đồng Tháp phấn đấu có ít nhất 30 sản phẩm OCOP được công nhận mới trong năm 2024
Đồng Tháp phấn đấu có ít nhất 30 sản phẩm OCOP được công nhận mới trong năm 2024

UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024.

Hiệp định Geneve: Mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam
Hiệp định Geneve: Mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geveve là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh trong giai đoạn 2024-2025
TP. Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh trong giai đoạn 2024-2025

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa đưa ra chỉ tiêu giai đoạn 2024-2025 thành phố phải phát triển tối thiểu 68 ha công viên công cộng, phát triển tối thiểu 4 ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh.

Indonesia tăng lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục nhằm chống lại sự mất giá của tiền tệ
Indonesia tăng lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục nhằm chống lại sự mất giá của tiền tệ

Hôm thứ Tư (24/4), Ngân hàng trung ương Indonesia đã bất ngờ tăng lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục nhằm chống lại sự mất giá của tiền tệ.

SeABank kết nối hưng thịnh, tri ân khách hàng doanh nghiệp nhân dịp 30 năm
SeABank kết nối hưng thịnh, tri ân khách hàng doanh nghiệp nhân dịp 30 năm

Khách hàng doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài trợ thương mại, ngân hàng điện tử, thẻ tín dụng, gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) có cơ hội nhận e-Voucher trị giá tối đa 3 triệu đồng, 01 lượng vàng AJC kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn. Tổng trị giá giải thưởng lên tới hàng tỷ đồng.

Giá lúa gạo hôm nay 25/4: Giá gạo giảm 200 đồng
Giá lúa gạo hôm nay 25/4: Giá gạo giảm 200 đồng

Hôm nay 25/4, giá lúa gạo thị trường trong nước điều chỉnh giảm với một số loại gạo trong khi đó giữ ổn định với mặt hàng lúa. Giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định sau phiên giảm.