Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 01/2023, Việt Nam nhập khẩu 35,44 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 74,13 triệu USD, giảm 45,7% về lượng và giảm 45,4% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 01/2022 giảm 34% về lượng và giảm 35% về trị giá.
Trong số 29 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt, Mỹ là nước chiếm tỉ lệ kim ngạch nhâp khẩu lớn nhất. Trong tháng 01/2023, sản lượng nhập khẩu từ thị trường này đạt gần 8000 tấn với tổng giá trị hơn 16 triệu USD, chiếm 22% tổng lượng.
Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt về Việt Nam đạt mức 2.092 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 12/2022 nhưng giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về chủng loại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Tuy nhiên, lượng thịt gia cầm, thịt heo, thịt bò nhập khẩu có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt trâu tăng so với tháng 01/2022.
Đáng chú ý, trong tháng đầu năm 2023, lượng tiêu thụ thịt heo ở trong nước có phần chững lại, khiến việc nhập khẩu mặt hàng này giảm hơn một nửa. Tính đến hết tháng 01/2023, Việt Nam nhập khẩu gần 5.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, tương đương 11,5 triệu USD, giảm 65% về lượng và giảm 66,5% về trị giá so với tháng 12/2022. So với tháng 01/2022, nhập khẩu thịt heo cũng giảm 54% về lượng và giảm 51% về giá trị. Trong số đó, Nga chiếm gần 35%, Brazil chiếm hơn 23% và Đức chiếm gần 22% tổng lượng thịt heo nhập khẩu của Việt Nam.
Thảo Nguyễn (t/h)