LTS: Các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, và Tổng cục QLTT trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, đã liên tục được triển khai tại các địa phương, nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng cũng như những người kinh doanh chân chính.

Tuy nhiên tại một số địa phương, việc buôn bán hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn tồn tại. Vấn nạn này đã và đang mang lại cho xã hội những tác động tiêu cực không nhỏ, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa.

Phóng viên (PV) Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã khảo sát một số điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Và, không khó để có thể bắt gặp những vi phạm của các siêu thị, các cửa hàng tại các khu vực từ thị trấn nhỏ đến thành phố lớn trên địa bàn đang công khai bày bán công khai những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như vi phạm về nhãn mác hàng hóa tại những điểm PV có mặt.

Kỳ 1: Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc tại Phúc Yên, lực lượng chức năng có biết?

Thành phố Phúc Yên trải dài 24 km theo trục bắc – nam, nằm ở phía đông nam tỉnh Vĩnh Phúc; phía Đông giáp huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội; phía Tây giáp huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; phía Nam giáp huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội; phía Bắc giáp huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; cách trung tâm thủ đô Hà Nội 30 km, cách Sân bay quốc tế Nội Bài 8 km. Nơi đây tập trung nhiều dân cư sinh sống, cùng với đó là nhu cầu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa của người dân địa phương khá cao.

Từ nguồn tin cho biết một số cửa hàng trên địa bàn thành phố Phúc Yên công khai bán hàng nhập ngoại vi phạm các quy định về tem nhãn, kinh doanh hàng hóa. PV Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã khảo sát và ghi nhận mới thấy những phản ánh trên là hoàn toàn có cơ sở.

Siêu thị hàng nhập khẩu Hạnh Nhật – Đồng Xuân, Phúc Yên kinh doanh một số hàng hóa vi phạm

Trong vai người mua hàng, PV có mặt tại siêu thị hàng nhập khẩu Hạnh Nhật nằm tại số 569 đường Trường Chinh, Đồng Xuân, Phúc Yên để ghi nhận thực tế. Đây là siêu thị lớn đặt gần khu nghỉ dưỡng hồ Đại Lải. Nơi đây chuyên cung cấp hàng hóa nhập khẩu phục vụ khách du lịch và người dân địa phương, mỗi ngày hàng trăm lượt khách ra vào tấp nập tham quan mua sắm. Tuy nhiên, qua quan sát của phóng viên, nhiều các sản phẩm nhập khẩu tại đây đều không được dán tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Siêu thị hàng nhập khẩu Hạnh Nhật đặt tại đường Trường Chinh, P. Đồng Xuân, TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc)
Siêu thị hàng nhập khẩu Hạnh Nhật đặt tại đường Trường Chinh, P. Đồng Xuân, TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc)

Cụ thể, tại quầy bày bán bánh kẹo, nhiều mặt hàng bánh kẹo nhập ngoại trên bao bì ghi rõ các sản phẩm này đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Nga,… giá bán của những sản phẩm này từ vài chục đến vài trăm ngàn một sản phẩm. Nhưng nhiều các sản phẩm này không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam.

Theo thông tin ghi trên kệ hàng, những sản phẩm này đến từ Nga và Nhật
Theo thông tin ghi trên kệ hàng, những sản phẩm này đến từ nước Nga và Nhật Bản

Tiếp tục di chuyển đến mỹ phẩm và các sản phẩm phục vụ chị em, phóng viên cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Tại đây, chủ siêu thị này cho bày bán nhiều sản phẩm ngoại nhập, với bao bì in chữ Trung Quốc, Nhật Bản, tuy nhiên không thấy bất kỳ một thông tin nào liên quan đến sản phẩm, đơn vị nhập khẩu bằng Tiếng Việt.

Hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm đến từ nước ngoài đều không dán tem nhãn phụ tiếng Việt
Hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm đến từ nước ngoài đều không dán tem nhãn phụ tiếng Việt

Tiếp tục di chuyển đến quầy bia, nước giải khát, PV nhận thấy chủ của siêu thị này đã khéo léo bày bán những sản phẩm nhập ngoại này một cách trang trọng, đặt ngay lối đi. Cũng ghi nhận tình trạng tương tự như các sản phẩm tại quầy bánh kẹo, trên các sản phẩm đều không dán thêm nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định của pháp luật, không dán tem nhãn nhập khẩu của đơn vị chức năng cấp.

Việc dán tem nhập khẩu đối với các sản phẩm bia (độ cồn >5%), rượu nhập khẩu là cần thiết và bắt buộc, bởi trên tem điện tử rượu có in mã QRCode để người tiêu dùng có thể dùng phương tiện công nghệ để quét tra cứu, xác thực các thông tin như: Tên loại tem, ký hiệu mẫu số, ký hiệu tem; Tên, mã số thuế của đơn vị sản xuất sản phẩm rượu, bia; Tên cơ quan thuế bán tem điện tử.

Những chai nước ngọt không rõ thông tin đơn vị nhập khẩu, thậm chí những chai bia này không dán tem nhãn hải quan theo quy định
Những chai nước ngọt không rõ thông tin đơn vị nhập khẩu, thậm chí những chai bia này không dán tem nhãn hải quan theo quy định

Từ những ghi nhận trên, có thể đặt ra những nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm bia nhập ngoại đang được bày bán tại đây. Bởi, việc cố tình bày bán các sản phẩm bia nhập ngoại không được dán tem nhãn do đơn vị hải quan cấp đang vi phạm rất lớn vào những quy định của pháp luật đối với những sản phẩm bia rượu nhập ngoại.

Liệu rằng các sản phẩm này có được nhập khẩu chính ngạch, hoặc là sản phẩm chất lượng thật hay không? Đó cũng là những nghi vấn mà PV ghi nhận được từ nhiều khách hàng khi tới mua sắm tại siêu thị hàng nhập khẩu Hạnh Nhật.

Hàng hóa bày bán tại siêu thị Vĩnh Đào Mart

Rời khỏi siêu thị hàng ngoại nhập Hạnh Nhật, PV có mặt tại siêu thị Vĩnh Đào Mart cùng nằm trên trục đường Trường Chinh, Đồng Xuân, Phúc Yên và cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Tại siêu thị này, hàng nghìn sản phẩm đa dạng chủng loại từ ngoại nhập đến các sản phẩm trong nước được bày bán la liệt. Tuy nhiên qua quan sát, rất nhiều các sản phẩm ngoại nhập đề không được dán tem nhãn phụ tiếng Việt, có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Siêu thị Vĩnh Đào Mart
Siêu thị Vĩnh Đào Mart

Cụ thể, tại quầy quần áo giày dép trẻ em, các sản phẩm nhập ngoại ở đây chủ yếu gắn tem nhãn chữ Trung Quốc và không có bất kỳ thông tin nào về đơn vị nhập khẩu hàng hóa tại thị trường Việt Nam. Đáng chú ý một số sản phẩm còn “trắng” thông tin.

Tiếp tục di chuyển đến quầy bày bán mỹ phẩm PV cũng ghi nhận tình trạng tương tự, hàng trăm sản phẩm nhập ngoại không dán tem nhãn phụ tiếng Việt đang được bày bán công khai như chưa hề có sự vào cuộc của lực lượng chức năng.

Nhiều sản phẩm giày dép trên tem nhãn ghi bằng tiếng Trung Quốc nhưng không dán tem nhãn phụ tiếng Việt, thậm chí có những sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại thị trường Việt Nam
Nhiều sản phẩm giày dép trên tem nhãn ghi bằng tiếng Trung Quốc nhưng không dán tem nhãn phụ tiếng Việt, thậm chí có những sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại thị trường Việt Nam

Ngay tại gian hàng đồ chơi, các sản phẩm có dấu hiệu nhập ngoại bởi trên bao bì toàn in chữ Trung Quốc và cũng không có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt thể hiện đơn vị nhập khẩu các sản phẩm trên. Điều đáng nói, đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em đang được các cơ quan chức năng kiểm soát rất nghiêm ngặt, bởi theo Quy định về Quy chuẩn Việt Nam số 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm, đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ
Nhiều sản phẩm mỹ phẩm, đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.

Những ghi nhận trên xin được gửi tới Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc, cũng như các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc kiểm tra làm rõ những vi phạm (nếu có). Ở bài viết tiếp theo, Thương hiệu và Công luận xin được tiếp tục phản ánh tới độc giả những địa điểm khác liên quan đến thực trạng hàng giả, hàng nhái và hàng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa phương này. Cùng với đó là những thông tin liên quan đến hoạt động kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT địa phương ngay sau khi có thông tin mới nhất.

(Còn nữa)

T.A