Dù thuế 0%, cũng đừng mơ ô tô nhập ồ ạt về Việt Nam
Xe nhập khó tràn vào
Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, Quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, được Chính phủ ký ban hành ngày 17/10/2017 và có hiệu lực ngay lập tức. Theo đó, kinh doanh ô tô NK phải chịu những quy định ngặt nghèo, khiến cho xe nhập khó tràn vào Việt Nam, cho dù thuế NK về 0%.
Với nghị định này, để kinh doanh ô tô NK, cả xe chưa qua sử dụng lẫn xe đã qua sử dụng, DN phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh đơn vị được quyền thay mặt DN sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi xe tại Việt Nam và phải được cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự. Đây là một bài toán khó đối với nhiều DN NK, nhất là các DN NK không chính hãng, sẽ khó “kiếm” được văn bản xác nhận.
Không chỉ vậy, các đơn vị NK sẽ phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, do Cục Đăng kiểm cấp - loại giấy phép từng bị “khai tử” cùng Thông tư 20.
Điều nữa khiến các DN NK lo lắng đó là quy định mỗi một lô hàng nhập phải mang 1 chiếc xe đi thử nghiệm, bao gồm cả thử khí thải, độ bền về phanh, động cơ... Theo các DN, chi phí thử nghiệm như thế tốn từ 40 - 100 triệu đồng/lần và phải chờ từ 2 tuần đến 2 tháng mới có kết quả.
Nhiều đơn vị kinh doanh thừa nhận không dễ để vượt qua hàng rào quy định mới này. Theo quy định trước đây, khi NK, DN chỉ lấy 1 xe làm mẫu mang đi thử nghiệm. Những lô hàng sau nhập mẫu xe đó thì không cần thử nghiệm lại. Nhưng nay, mỗi lô hàng nhập về, lô trước lô sau đều phải thử nghiệm như nhau. NK 1 xe hay 3 xe, đều phải đi thử nghiệm, như vậy vừa thêm tốn kém chi phí, vừa mất thời gian.
Ngoài ra, thời gian bảo hành bắt buộc với xe nhập cũng tăng lên khi xe con chưa qua sử dụng phải được bảo hành 3 năm hoặc 100.000 km; với ô tô đã qua sử dụng là 2 năm hoặc 50.000 km.
Một số chuyên gia nhìn nhận, quy định mới này dường như là sự “giải cứu” cho xe nội, ngăn chặn làn sóng xe nhập có thể ồ ạt vào Việt Nam năm 2018 và người tiêu dùng khó hy vọng giá xe sẽ phá mức đáy hiện nay.
Cơ hội cho SX ô tô nội?
Nghị định 116 đã được ban hành và có hiệu lực ngay - được cho là tín hiệu vui, giúp tạo động lực cho ngành sản xuất ô tô - vốn có đóng góp không nhỏ cho ngân sách, giải quyết cho hàng trăm nghìn lao động hiện nay.
Thực tế, nếu không có chính sách nhằm phát triển sản xuất công nghiệp ô tô tại Việt Nam, vào thời điểm năm 2018, khi thuế NK xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam xuống 0%, nguồn xe NK từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia… sẽ khiến thị trường trong nước trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm của các nước.
Khi đó, hàng loạt DN đang đầu tư vào ngành ô tô và sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam sẽ không có cơ hội phát triển, gây tổn tại lớn đối với nền kinh tế.
Bộ Công thương cảnh báo, nếu lượng xe khách và xe tải NK 50%, còn 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch NK ô tô năm 2025 dự kiến đạt 12 tỷ USD và năm 2030 sẽ tăng lên 21 tỷ USD, góp phần làm gia tăng nhập siêu, gây khó khăn cho nền kinh tế.
Cả nước hiện có trên 170 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 DN sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 DN sản xuất. Trong số này, nổi lên một số DN đã có đầu tư mạnh cho sản xuất ô tô tại Việt Nam như Trường Hải, Hyundai Thành Công, Toyota Việt Nam, Công ty Ô tô Vinfast…
Theo kế hoạch tăng tốc đầu tư giai đoạn 2016 - 2018, Trường Hải sẽ đầu tư 30.470 tỷ đồng cho xây mới và mở rộng các nhà máy ô tô, sản xuất phụ kiện, trung tâm nghiên cứu và phát triển..., theo kế hoạch này, hoạt động đầu tư được triển khai chủ yếu trong năm 2017 và 2018, với hơn 24.000 tỷ đồng.
Đối với Vinfast, kế hoạch sản xuất 100.000 xe ô tô ngay trong năm đầu tiên hoạt động và tỷ lệ nội địa hóa đạt 60% - tạo ra những tín hiệu lạc quan cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Nghị định 116 cũng khiến các liên doanh lắp ráp xe “đau đầu” khi tăng thời gian bảo hành và yêu cầu các nhà máy sản xuất xe phải có đường thử thẳng dài tối thiểu 400 m. Như vậy, để đáp ứng yêu cầu này, nhà máy sản xuất sẽ phải có diện tích khoảng 25 ha và đây sẽ là bài toán khó cho các nhà máy ở các thành phố, các DN chưa có kinh nghiệm.
Trong khi người tiêu dùng tiếp tục “ngồi chờ” giá xe giảm sau 2018, một loạt các quy định mới về kinh doanh nhập khẩu ô tô đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 17/10/2017 sẽ ngăn cản xe nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Bùi Quyền