Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam được thành lập năm 2017, có trụ sở tại số 62 đường Song Hành, Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh do ông Trương Sỹ Bá làm Chủ tịch HĐQT và bà Bùi Hương Giang làm đại diện pháp luật.
Ngoài ra, bà Bùi Hương Giang còn đại diện 17 đơn vị doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Sản xuất TMDV Chăn nuôi Minh Thành; CTCP Thức ăn chăn nuôi BAF Tây Ninh; Công ty TNHH đầu tư trang trại xanh 1 và 2…
Theo giới thiệu trên website https://baf.vn/gioi-thieu/, BaF Việt Nam tập trung phát triển mô hình kinh doanh chiến lược theo chuỗi 3F Feed – Farm – Food, xây dựng hoàn chỉnh quy trình khép kín từ nông trại đến bàn ăn, phục vụ cho thị trường sản phẩm thịt lợn với các tiêu chí: An toàn – Tươi ngon – Ngọt thịt – Lành cơm, nâng cao trải nghiệm tiêu dùng cho mọi khách hàng.
Từ khi thành lập đến nay, BaF Việt Nam ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hướng đến mục tiêu hoàn thiện và tối ưu mọi hoạt động kinh doanh – sản phẩm – dịch vụ của mình. Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng thương hiệu, BaF gặp phải những vấn đề khách hàng, người tiêu dùng quan tâm. Vậy những vấn đề đó là gì?
Vừa qua,BAF dự kiến phát hành tối đa 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và phát hành tại thị trường trong nước. Thời gian dự kiến triển khai là trong quý IV/2022 đến quý I/2023.
Số trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định là 5,25%/năm. Nếu tổ chức mua trái phiếu không chuyển đổi, trái chủ sẽ nhận bổ sung thêm 5,25%/năm cho các kỳ tính lãi, nâng lãi suất thực đợt phát hành lên 10,5%/năm.
BAF dự kiến sử dụng số tiền huy động được như sau: 280 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty CP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh từ 120 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng; 110 tỷ đồng sẽ góp vốn để tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 2 từ 20 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng; và góp lần lượt 70 tỷ đồng vào 03 Công ty là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh và Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh.
Đơn vị mua trái phiếu là International Finance Corporation (IFC) – thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB).
… Đến bị bán giải chấp 24.500 cổ phiếu BAF
Theo tìm hiểu, cổ phiếu của BAF mới niêm yết trên sàn HoSE được hơn 01 năm (cổ phiếu niêm yết ngày 03/12/2021). Trong đó, Chủ tịch là ông Trương Sỹ Bá, ông Trương Sỹ Bá đồng thời cũng là Chủ tịch Tập đoàn Tân Long.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, ông Ngô Cao Cường - Kế toán trưởng Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã: BAF – sàn HoSE) vừa bị bán giải chấp 24.500 cổ phiếu BAF để giảm sở hữu từ 66.900 cổ phiếu về còn 42.400 cổ phiếu, giao dịch được thực hiện từ ngày 14/11 đến ngày 21/11/2022.
Được biết, từ ngày 25/05 đến ngày 15/11, cổ phiếu BAF giảm hơn 58,6% từ 38.300 đồng về 15.850 đồng/cổ phiếu, sau đó hồi phục, tính tới ngày 06/12 đang giao dịch vùng 19.050 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, với giá 19.050 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BAF đang thấp hơn 50,3% so với đỉnh ngày 25/5 và đồng thời cao hơn 20,2% so với đáy ngày 15/11.
Ngày 05/12, Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam mới công bố thông tin Kế toán trưởng bị bán giải chấp và ngày 06/12, thông tin mới được công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Như vậy, kết thúc 9 phiên giao dịch, Kế toán trưởng Nông nghiệp BaF Việt Nam mới công bố thông tin bị bán giải chấp.
Theo điểm đ, Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch (trường hợp giao dịch kết thúc trước thời hạn đăng ký) hoặc kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về kết quả giao dịch đồng thời giải trình nguyên nhân không thực hiện được giao dịch hoặc không thực hiện hết khối lượng đăng ký (nếu có) theo mẫu quy định tại Phụ lục XV hoặc Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này”.
Như vậy, căn cứ quy định luật pháp hiện hành, Kế toán trưởng Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam có dấu hiệu báo cáo kết quả giao dịch trễ hơn so với quy định.
Dòng tiền kinh doanh âm khá nặng từ năm 2019 tới nay
Xét về dòng tiền, trong 09 tháng đầu năm, BaF Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 240,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 156,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 461,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 741,04 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Như vậy, trong 09 tháng đầu năm, BaF Việt Nam đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.
Được biết, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2019 tới năm 2021, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm vượt 240,6 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2019 với giá trị âm 230,48 tỷ đồng.
Cũng theo BCTC, trong quý III/2022, hoạt động kinh doanh của BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.919,65 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 158 tỷ đồng, tăng 258,5% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 199,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 143,54 tỷ đồng lên 215,59 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 149%, tương ứng tăng thêm 3,1 tỷ đồng lên 5,18 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 149,7%, tương ứng tăng thêm 26,22 tỷ đồng lên 43,73 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 15,46 tỷ đồng lên 14,28 tỷ đồng (cùng kỳ ghi nhận âm 1,18 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế 09 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 4.889,15 tỷ đồng, giảm 46,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 286,24 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Xét về cơ cấu doanh thu, trong 09 tháng đầu năm, doanh thu bán nông sản giảm 54,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 4.632,4 tỷ đồng về 3.933,8 tỷ đồng; doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng 95% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 465,5 tỷ đồng lên 955,4 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 43% về 5.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 24,8% lên 402 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 09 tháng đầu năm, BaF Việt Nam hoàn thành được 71,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chân dung người đứng đầu thương hiệu BaF là ai?
Ngày 16/03, Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ân từ 15/3. Đồng thời, bầu ông Trương Sỹ Bá giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty từ ngày 15/03/2022.
Ông Bá sinh năm 1967, hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, đơn vị được thành lập năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi; sản xuất - kinh doanh gạo; xuất khẩu - nhập khẩu hạt; khai thác và chế biến khoáng sản - sản xuất hoá chất; sản xuất cơ khí công nghệ cao.
Ở một diễn biến khác, BAF chỉ mới được thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tuy nhiên Công ty liên tục thực hiện tăng vốn, vốn điều lệ thời điểm hiện tại đã 780 tỷ đồng, bằng 26 lần so với thời điểm thành lập và chính thức niêm yết trên sàn HOSE ngày 03/12/2021.
Trong đó, người gây dựng thương hiệu của BAF là bà Bùi Hương Giang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty. Trước khi cổ phiếu niêm yết trên sàn, bà Giang từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty, tuy nhiên đã miễn nhiệm ngày 02/03/2021.
Bà Giang sinh năm 1980 tại Hải Phòng, trước khi bắt đầu đảm nhiệm Giám đốc điều hành ngành nông sản tại BAF từ tháng 06/2020, bà Giang từng giữ quản lý kinh doanh ngành nông sản nguyên liệu Thức ăn chăn nuôi CTCP Tân Long (từ 2007 - 2013); giữ quản lý kinh doanh ngành nông sản nguyên liệu Thức ăn chăn nuôi CTCP HUM (từ 2014 - 06/2020).
Ngoài ra, trong BCTC tính đến ngày 31/12/2021, Công ty đang ghi nhận 168,6 tỷ đồng phải thu CTCP Tập đoàn Tân Long, tổ chức mà bà Giang đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong một thời gian dài trước khi trở thành lãnh đạo công ty mới thành lập với ngành nghề khá tương đồng.
Minh An (T/h)