LTS: Không phải ngẫu nhiên, các doanh nghiệp địa ốc chuyên nghiệp muốn “đi đường dài” trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đều nỗ lực xây dựng cho mình những dự án có chất lượng gắn với uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư để bán hàng. Bởi BĐS vốn là một tài sản có giá trị lớn, người đầu tư hay người mua nhà ở có nhu cầu thực, luôn mong muốn tìm đến những thương hiệu – chủ đầu tư uy tín, được nhiều người thừa nhận trên thị trường, để tránh những rủi ro trong quá trình ở hay cho thuê.
Tuy nhiên, thay vì củng cố cho thương hiệu BĐS đã nhiều năm “chinh chiến” tại thị trường Việt Nam, những năm gần đây thương hiệu Bim Group lại liên tục hàng loạt dự án dính uẩn khúc… Đặc biệt là tại Quảng Ninh - cái nôi, giúp Doanh nhân Đoàn Quốc Việt khởi đầu hành trình kinh doanh khi hồi hương về Việt Nam.
Mặc dù nằm trong top những chủ đầu tư tiên phong tại vùng vịnh di sản và được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ưu ái rất nhiều quỹ đất đẹp tại Hạ Long, nhưng thay vì xây dựng lên thương hiệu Bim group với những dự án nghỉ dưỡng, shop house, condotel… uy tín bên bãi biển xinh đẹp thì những dự án thuộc thương hiệu BĐS của Bim group như Grand bay Hạ Long; Dự án Harbo Bay; Dự án Aqua city Hạ Long lại bị khách hàng kêu trời. Dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đã xây dựng hoàn thiện và bán hàng rầm rộ; dự án được cấp phép xây dựng một đằng, nhưng khi xây dựng lại xây lên một nẻo; hay dự án chưa có đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư vẫn xây dựng; thậm chí bị khách hàng “tố bán chui” nhiều căn biệt thự không được cấp phép xây dựng hay nói cách khác Bim group đang “bán hàng giả” chính sản phẩm BĐS của mình khi tự ý xây khống, bán khống khi chưa được các cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng… gần đây là những “lình xình” của dự án Grand Bay Hạ Long của Bim Group bị “nuốt mất” nhà ở xã hội…
Để cho độc giả - những người mua nhà có những góc nhìn khách quan nhất, Thuonghieuvacongluan.vn xin gửi tới độc giả loạt bài viết về thương hiệu BĐS Bim Group tại Quảng Ninh.
Bài 1:
Dự án Harbo Bay của thương hiệu Bim Group và dấu hỏi hơn 50 căn hộ không phép xây dựng?
Dự án Harbor Bay Hạ Long - một thương hiệu của tập đoàn Bim Group được giới thiệu sở hữu một ví trí “vô tiền khoáng hậu”, với thế tựa sơn hướng hải, sau lưng là dãy núi Hùng Thắng ôm trọn, trước mặt là Vịnh Hạ Long xinh đẹp và thơ mộng. Thế nhưng, ngược lại với viễn cảnh tươi đẹp chủ đầu tư vẽ ra, khách hàng vỡ mộng khi được sale bán hàng giới thiệu mua nhiều sản phẩm không phép, “thót tim” khi nhìn giấy phép xây dựng lệch hơn 50 căn so với số liệu được cấp trong đánh giá tác động môi trường?
Khách hàng bức xúc có dấu hiệu bán chui căn hộ không phép?
HarborBay là dự án nhà phố đặc biệt nằm trong khu phức hợp của chủ đầu tư Bim Group trong năm 2019.
Dự án Habor Bay Hạ Long được giới thiệu là dự án nhà phố nằm tại vị trí khu đất thuộc bán đảo 2 thuộc Khu đô thị Hạ Long Marina, Bãi Cháy, TP Hạ Long. Xây cao 5 tầng. Hiện Harbor Bay Hạ Long đã xây dựng xong và được chủ đầu tư rao bán nhộn nhịp.
Theo quảng cáo trên nhiều website bất động sản, Harbor Bay là dự án nhà phố thương mại của tập đoàn Bim Group có vị trí tại khu bán đảo 2 Hạ Long Marina rộng 12,5ha đã hoàn hiện xong hạ tầng đường và hệ thống thoát nước. Harbor Bay Hạ Long còn được gọi là nhà liền kề Địa Trung Hải lấy cảm hứng thiết kế từ vùng biển nhiệt đới…
Trong thời buổi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lãi suất tiền gửi ngân hàng rất thấp, chị N.M (Hà Nội) có ý định đầu tư vào bất động sản, tin tưởng thương hiệu chủ đầu tư Bim Group với kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường bất động sản nên chị đã có ý định “xuống tiền” đầu tư dự án của Bim Group tại Hạ Long. Tuy nhiên, phản ánh với phóng viên, khách hàng N.M sửng sốt khi đi chị đi thăm quan tìm hiểu dự án Harbo bay Hạ Long, khách hàng được sale dự án giới thiệu “trong tay” sale có 3 đến 5 căn không phép xây dựng, theo lời chị N.M, chị được bạn sale giới thiệu: “Hiện tại em đang nắm được 3 đến 5 căn không có pháp lý gồm: căn 243, 244, 220, 219… nếu chị mua giá 6 tỷ đồng cũng bán, bây giờ làm gì có giá 6 tỷ nếu như căn này có đầy đủ pháp lý bình thường, hiện tại chủ đầu tư chưa hỗ trợ chuyển nhượng, chưa ra được hợp đồng mua bán, nhưng nếu đầu tư thì sau này chị có thể bán lên 8- 9 tỷ đồng”, chị N.M chia sẻ. Cũng theo khách hàng N.M, bạn Sale giới thiệu ở dự án này có 375 căn thì có 3 đến 5 căn chủ đầu tư không hỗ trợ chuyển nhượng, do chủ đầu tư xây quá lên. “Em nói với chị, nếu căn 243, 244 này không vướng pháp lý thì đầu năm em đã bán được cả đôi căn vì khách rất thích căn này do đi ra ngay sau là biển luôn”, chị N.M chia sẻ lại lời của sale tại dự án Harbo Bay Hạ Long.
Chị N.M bức xúc: “Tin tưởng Thương hiệu Bim Group bao nhiêu nhưng biết việc chủ đầu tư bán hàng không phép khiến mình thất vọng vô cùng. Việc chủ đầu tư bán hàng không phép chẳng khác nào chính họ tự bán “hàng giả”, giả lại sản phẩm của chính thương hiệu mình, khi cùng lô, cùng thiết kế nhưng căn có pháp lý còn một căn bên cạnh thì không được pháp luật thừa nhận”.
“Tiền trảm, hậu tấu” - TP Hạ Long cấp phép xây dựng cho dự án chưa có đánh giá môi trường?
Theo tài liệu của phóng viên – THCL, dự án HarboBay được cấp Giấy phép xây dựng số 144/ GPXD, do ông Phạm Ngọc Long, Phó Phòng quản lý đô thị, UBND TP Hạ Long ký và đóng dấu cấp phép ngày 28/6/2019.
Cụ thể theo số liệu trong GPXD số 144 thì chủ đầu tư: Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long được cấp phép xây dựng tổng số 30 công trình, gồm 322 căn nhà ở liên kế.
Tuy nhiên, ngược lại với quy trình cấp phép dự án của Bộ Xây dựng, sau khi chủ đầu tư Bim Group được cấp phép xây dựng dự án tới 10 tháng, tức ngày 21 tháng 4 năm 2020, dự án Harbo Bay mới được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Việc cấp phép xây dựng dự án hoặc triển khai dự án khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường là hành vi vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng và vi phạm các điều cấm của pháp luật.
Tại điều 19, điều 25 của Luật bảo vệ môi trường 2014 cũng đã quy định rất rõ: Trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án thì chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xem xét thẩm duyệt chủ trương đầu tư của dự án thì phải căn cứ vào Báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư gửi lên.
Luật xây dựng cũng như những văn bản quy phạm pháp luật khác như Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng cũng đã quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án bảo vệ môi trường là điều kiện cần thiết và bắt buộc phải có khi xem xét cấp giấy phép xây dựng.
Khi chủ đầu tư dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư triểm khai dự án thì đây là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Luật xây dựng và Luật bảo vệ môi trường. Và hành vi này cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường còn là căn cứ quan trọng để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của dự án. Đồng thời, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm mục đích để nắm bắt được tầm ảnh hưởng của dự án đến môi trường xung quanh so với mức tiêu chuẩn quy định, từ đó thẩm định xem có cấp quyết định phê duyệt dự án hay không.
Tại Điểm d Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ cũng đã quy định rất rõ với các vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ phê duyệt bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định. (Đối với tổ chức nhân đôi).
Giấy phép xây dựng cấp phép 322 căn, đánh giá tác động môi trường phê duyệt hẳn 375 căn liên kế
Không chỉ đi ngược lại với quy trình cấp phép dự án phải được chấp thuận dự án đầu tư, được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, rồi mới tới cấp phép xây dựng… Nhưng đối với dự án Khu nhà ở liên kế thuộc Khu nhà ở liên kế, chung cư hỗn hợp dịch vụ thương mại tại bán đảo số 2, Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) của công ty TNHH Đầu tư và phát triển sản xuất Hạ Long (tên thương mại dự án: Harbo bay) dù chưa được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng không hiểu vì lý do gì Phòng Quản lý đô thị TP. Hạ Long đã “vượt mặt” UBND tỉnh cấp phép xây dựng cho dự án?
Đặc biệt, do cấp phép ngược quy trình nên giữa giấy phép xây dựng do Phòng Quản lý đô thị TP. Hạ Long cấp phép với Phụ lục bản phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Harbo bay do UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ngày 21 tháng 4 năm 2020 có sự chênh lệch số liệu cấp phép số căn liên kế tại dự án khá nhiều (chênh 53 căn nhà liên kế).
Cụ thể, tại GPXD số 144 do Phòng Quản lý đô thị TP. Hạ Long cấp phép ngày 28/6/2019 thì chủ đầu tư: Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long được cấp phép xây dựng tổng số 30 công trình, gồm 322 căn nhà ở liên kế.
Tuy nhiên, tại phụ lục bản ĐTM do UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ngày 21 tháng 4 năm 2020, tại mục 1.4. Quy mô, công suất dự án thì: Quy mô đầu tư xây dựng dự án Harbo bay lại là 375 căn nhà liên kế trên mặt bằng 35 lô đất với quy mô 375 căn liên kế?
Việc cấp phép xây dựng dự án khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường đã là trái quy định của pháp luật, vậy mà không hiểu lý do gì UBND tỉnh Quảng Ninh lại nâng tổng quy mô đầu tư dự án lên 375 căn liên kế (chênh 53 căn nhà liên kế so với giấy phép xây dựng do phòng quản lý đô thị UBND TP Hạ Long cấp phép).
Dư luận đặt câu hỏi, liệu hình thức “tiền trảm - hậu tấu”, cấp phép xây dựng trước khi được phê duyệt đánh giá tác động môi trường có phải là hình thức giúp cho chủ đầu tư thương hiệu Bim Group hợp thức hóa quá trình xây dựng sai phép 53 căn nhà liên kế hay không? Đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật liên quan tới việc cấp phép dự án không đúng quy định pháp luật?
Câu hỏi của dư luận xin gửi được gửi tới các nhà chức trách tại Quảng Ninh trả lời?
Khánh Yên
.