Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thương hiệu Tập đoàn Đạt Phương và câu chuyện chiến lược xây dựng hình ảnh đầy tham vọng

Thương hiệu Tập đoàn Đạt Phương (Đạt Phương Group) nổi tiếng với các dự án về xây lắp, thuỷ điện và bất động sản. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thương hiệu Đạt Phương Group gặp phải không ít những thăng trầm...

Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn Đạt Phương (Đạt Phương Group), tiền thân là Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Đạt Phương có trụ sở tại Toà nhà Handico đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội do ông Lương Minh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT.

Đạt Phương Group được thành lập năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu là 2,2 tỷ đồng, năm 2010 tăng vốn lên 45 tỷ đồng, năm 2011 tăng vốn lên 65 tỷ đồng, đến năm 2019, tăng vốn điều lệ lên 449 và năm 2021 tăng vốn lên 629,995,540,000 đồng…. Chủ tịch HĐQT của Đạt Phương Grouplà ông Lương Minh Tuấn. Theo hồ sơ pháp lý công bố, ông Tuấn nắm giữ 7,174 triệu cổ phiếu (chiếm 16,49%). Còn Tổng giám đốc của Đạt Phương Grouplà ông Trần Anh Tuấn, ông Anh Tuấn nắm giữ 2,599 triệu cổ phiếu (chiếm 5,97%). Ngoài ra, còn có 03 cổ đông lớn nữa là bà Lương Thị Thanh – thành viên HĐQT (nắm giữ hơn 3,034 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 6,98%), ông Phạm Kim Châu - Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Phó Tổng giám đốc (nắm giữ hơn 2,985 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 6,86%) và bà Lê Thị Hà (nắm giữ 2,599 triệu cổ phiếu, chiếm 5,97%).

Đạt Phương Group hoạt động trong các lĩnh vực thi công xây dựng, các công trình dân dụng, giao thông thủy lợi, vận tải hàng hóa, đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, cụm dân cư, khu đô thị, sản xuất cấu kiện thép, bê tông cốt thép, bê tông nhựa…

Trong lĩnh vực xây lắp, doanh nghiệp này có nhiều dự án xây lắp trên cả nước, riêng tỉnh Quảng Nam, đơn vị này có nhiều công trình xây lắp với giá trị xây lắp lên đến hàng trăm tỷ, vượt xa vốn điều lệ như: Dự án đầu tư cầu Đế Võng (Hội An, tại Quảng Nam), gói thầu xây lắp 01 thuộc dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và Sân bay Chu Lai (giá trúng thầu 509,9 tỷ đồng)… Ngoài ra, Đạt Phương Group có 04 dự án đều trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đó là dự án bất động sản Khu đô thị Đồng Nà, dự án khu đô thị Cồn Tiến (xã Cẩm Thanh, TP. Hội An), Dự án bất động sản Khu đô thị Bình Dương (huyện Thăng Bình) và Quần thể Biệt thự nổi Sinh thái Casamia tại Hội An.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thương hiệu của mình, Đạt Phương Group đã gặp phải không ít những thăng trầm, khiến khách hàng, người tiêu dùng lo lắng về các quyền lợi được hưởng, đặc biệt là vấn đề tài chính khi đầu tư vào những dự án này. Khi viết loạt bài này, chúng tôi chỉ mong rằng, thương hiệu Đạt Phương Group luôn là thương hiệu có những sản phẩm thật uy tín, chất lượng và ngày càng phát triển bền vững.

Mới đây, chiều ngày 14/11, Bộ Tài chính thông tin về hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đưa thêm hàng loạt khuyến nghị trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua khiến thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, còn các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.

Theo Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn. Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

“Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp", Bộ Tài cho biết và nhấn mạnh: Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Những thăng trầm của Đạt Phương Group về phát hành trái phiếu

Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương chính thức lên sàn giao dịch HOSE với mã chứng khoán DPG vào ngày 09/05/2018 với số lượng cổ phiếu niêm yết lần đầu là gần 30 triệu cổ phiếu vốn điều lệ (tính đến tháng 07/2019) gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó 06 ngày, công ty này hủy niêm yết cổ phiếu và quay trở lại sàn HOSE ngay sau đó. Ngày 22/05/2018, Công ty CP Đạt Phương tiến hành giao dịch lần đầu và tiến hành niêm yết cổ phiếu bổ sung gần 15 triệu cổ phiếu sau đó hơn 01 năm (ngày 04/06/2019).

03 đợt phát hành trái phiếu của Đạt Phương Group từ 2019 đến nay.
03 đợt phát hành trái phiếu của Đạt Phương Group từ 2019 đến nay.

Cuối năm 2019, Đạt Phương Group công bố dự kiến phát hành 300 tỷ đồng lô trái phiếu mã DPG.BOND.2019.01 theo phương thức riêng lẻ, trong đó tổng giá trị trái phiếu phát hành thực tế đợt 1 là 81 tỷ đồng với mệnh giá 100.000.000 VNĐ/trái phiếu (một trăm triệu đồng/trái phiếu). Đây là lượng trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, ngày phát hành là 29/11/2019. Lãi suất trái phiếu áp dụng mức 11,5%/năm trong suốt kỳ hạn trái phiếu. Trái phiếu phát hành là loại trái phiếu không chuyển đổi và được đảm bảo bằng tài sản.

Ngay sau đợt phát hành đợt 1 với tỷ lệ thành công thấp, ngày 10/12/2019, Hội đồng quản trị DPG thông qua phương án phát hành trái phiếu đợt 2 với quy mô 150 tỷ đồng lô trái phiếu mã DPG.BOND.2019.02, trong đó tổng giá trị trái phiếu phát hành thực tế đợt 2 là 30.900.000.000 đồng với mệnh giá 100.000.000 VNĐ/trái phiếu.

Đây là lượng trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, ngày phát hành là 27/12/2019, với các điều kiện lãi suất áp dụng mức 11,5%/năm, kỳ hạn, điều khoản mua lại và tài sản bảo đảm không thay đổi. SSI tiếp tục được lựa chọn làm đại lý tư vấn, lưu ký, quản lý tài sản bảo đảm và phát hành trái phiếu. Lãi suất trái phiếu DPG vẫn được nhìn nhận là hấp dẫn so với kênh gửi tiết kiệm, đầu tư vàng hay cổ phiếu.

Lô trái phiếu mã DPG.BOND.2019.01 và lô trái phiếu mã DPG.BOND.2019.02 của Phát Đạt Group thông qua 2 đợt năm 2019.
Lô trái phiếu mã DPG.BOND.2019.01 và lô trái phiếu mã DPG.BOND.2019.02 của Phát Đạt Group thông qua 02 đợt năm 2019.

Tuy vậy, nhìn vào bức tranh tài chính, dòng tiền lúc đó của Công ty, điểm cần quan tâm là khả năng triển khai các dự án bất động sản đúng tiến độ để ghi nhận doanh thu, nhằm bù đắp sự sụt giảm của mảng xây dựng và thu hồi dòng tiền để thanh toán nợ vay, trái phiếu khi đến hạn.

Đến tháng 11/2021, Đạt Phương Group phát hành thành công 3.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng, tương đương tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng lô trái phiếu mã DPGH2124001. Số tiền thu về từ đợt trái phiếu phát hành này sẽ để bổ sung vốn phục vụ kinh doanh, đầu tư các dự án của Đạt Phương và các công ty con.

Đây là lượng trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, ngày phát hành là 28/10/2021 và đáo hạn vào ngày 28/10/2024. Lãi suất trái phiếu trả định kỳ 06 tháng/lần, áp dụng mức 10,5% cho năm đầu tiên. Trong hai năm còn lại, lãi suất tính bằng tổng của 3,5% cộng với lãi tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trả sau áp dụng với khách hàng cá nhân của 04 ngân hàng Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank và không dưới 10,5%/năm.

Trái phiếu phát hành là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng 19 triệu cổ phần DPG. Giá trị bình quân là 66.620 đồng/cổ phiếu, tương ứng với 1.266 tỷ đồng.

Đạt Phương Group phát hành thành công 300 tỷ đồng lô trái phiếu mã DPGH2124001
Đạt Phương Group phát hành thành công 300 tỷ đồng lô trái phiếu mã DPGH2124001.

Trái chủ của lô trái phiếu bao gồm 07 nhà đầu tư trong nước, trong đó, 01 quỹ đầu tư chứng khoán, 02 công ty bảo hiểm và 04 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán SSI - Chi nhánh Hà Nội. Số tiền thu về từ đợt phát hành này sẽ để bổ sung vốn phục vụ kinh doanh hoặc/và đầu tư các dự án củaĐạt Phương và các công ty con.

Đáng chú ý, chỉ sau gần 03 tháng, trị giá cổ phiếu DPG đã nhanh chóng tăng hơn 2 lần từ vùng giá 40.000 đồng lên ngưỡng 96.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/11/2021. Kết phiên giao dịch ngày 13/04/2022, DPG có giá 67.500 đồng/cổ phiếu.  

Như vậy, việc sử dụng 19 triệu cổ phiếu DPG làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay trái phiếu cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Nếu tình hình kinh doanh có biến động tiêu cực, quyền lợi của trái chủ có thể sẽ chịu tác động kép do khả năng thanh toán gốc, lãi của doanh nghiệp có thể gặp khó khăn và giá trị tài sản đảm bảo bị ảnh hưởng khi tính theo giá trị cổ phiếu trên sàn.

Đạt Phương Group mua lại trước hạn 100 tỷ đồng trái phiếu

Đáng nói, mới đây, ngày 14/11/2022, Đạt Phương Group công bố kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn, mua lại trước hạn 100 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản trong gói 300 tỷ đồng đã phát hành.

Lãi suất trái phiếu 10,5% cho năm đầu tiên. Kể từ năm thứ hai, lãi suất được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1 năm của khách hàng cá nhân tại 04 ngân hàng quốc doanh cộng với biên độ 3,5%/năm. Trong mọi trường hợp, lãi suất không thấp hơn 10,5%/năm. Ngày phát hành 28/10/2021 với kỳ hạn 36 tháng, kỳ tính lãi 06 tháng/lần. Thời gian dự kiến mua lại từ ngày 05/12 hoặc một ngày nào khác căn cứ vào tình hình thực tế.

Đạt Phương Group công bố kế hoạch mua lại trước hạn 100 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Đạt Phương Group công bố kế hoạch mua lại trước hạn 100 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Về tình hình kinh doanh quý III/2022, doanh thu thuần của DPG đạt 880 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu gồm: doanh thu hợp đồng xây dựng tăng gấp đôi, đạt 595 tỷ đồng; doanh thu từ bán điện TP đạt 105 tỷ đồng, tăng gấp đôi; còn doanh thu từ kinh doanh bất động sản đạt 178 tỷ đồng, giảm 9%.

Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh 09 tháng của DPG âm 415 tỷ đồng (cùng kỳ dương 273 tỷ đồng); nguyên nhân là do tăng tồn kho (118 tỷ đồng), tăng các khoản phải thu (114 tỷ đồng); giảm các khoản phải trả (553 tỷ đồng) và chi trả lãi vay (135 tỷ đồng). Dù tăng cường vay mượn song dòng tiền thuần 09 tháng của công ty vẫn âm 314 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền giảm 30%, còn 731 tỷ đồng.

Quay lại thời điểm trước khi Đạt Phương Group phát hành lô trái phiếu 300 tỷ đồng (mã DPGH2124001) thành công, tính đến cuối quý III/2021, Đạt Phương Group vay nợ tài chính 2.495 tỷ đồng, trong đó 64% là vay dài hạn. Dư nợ trái phiếu là 108 tỷ đồng, kỳ hạn 02 năm, lãi suất cố định 11,5%/năm được trả định kỳ 06 tháng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,5 lần. Khoản nợ dài hạn lớn nhất của công ty là 1.298 tỷ đồng từ VietinBank - Chi nhánh 12 gồm một hợp đồng tín dụng từ năm 2011, thời hạn vay 11 năm, lãi suất thả nổi, để thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện sông Bung 6. Đồng thời, một hợp đồng tín dụng khác được lập vào năm 2015 để đầu tư nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A và 1B với lãi suất thả nổi, thời hạn 186 tháng.

Lũy kế 09 tháng, công ty đạt gần 1.535 tỷ đồng doanh thu, tăng 12%. Lợi nhuận sau thuế gấp 4 lần gần 303 tỷ đồng. Phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ gấp hơn 3 lần lên hơn 252 tỷ, EPS tương ứng 4.005 đồng. Với kết quả này, công ty đã thực hiện 56% kế hoạch doanh thu và 89% lợi nhuận cả năm.

Khoản nợ dài hạn lớn nhất của công ty là 1.298 tỷ đồng từ VietinBank - Chi nhánh 12
Khoản nợ dài hạn lớn nhất của công ty là 1.298 tỷ đồng từ VietinBank - Chi nhánh 12. (Nguồn BCTC quý III/2021)

Trúng gói thầu hơn 500 tỷ đồng

Tập đoàn Đạt Phương hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, năng lượng, dịch vụ nghỉ dưỡng. Tháng 10 vừa qua, công ty trúng gói thầu thuộc hợp đồng thầu phụ trong gói thầu CW1 xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn (km10 - km12+600), Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Giá trị hợp đồng Đạt Phương thực hiện lên tới gần 550 tỷ đồng. Trong gói thầu lần này, Đạt Phương Group với vai trò là nhà thầu thi công nhịp chính.

Phối cảnh dự án cầu Nhơn Trạch - Đồng Nai. (Nguồn: Đạt Phương).
Phối cảnh dự án cầu Nhơn Trạch - Đồng Nai. (Nguồn: Đạt Phương).

Không chỉ trúng gói thầu mới, mà Đạt Phương Group cũng đã có những hoạt động đầu tư xây dựng khá sôi động khác trong thời gian gần đây đó là công ty này vừa khởi công Đê chắn sóng cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) giai đoạn 2 vào hôm 08/10. Dự án có tổng mức đầu tư gần 760 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, thời gian thực hiện gần 03 năm 06 tháng.

Đạt Phương nằm trong liên danh nhà thầu thi công Đê chắn sóng Cảng Chân Mây.
Đạt Phương nằm trong liên danh nhà thầu thi công Đê chắn sóng Cảng Chân Mây.

Liên quan đến vấn đề tài chính củaĐạt Phương Group, trong 06 tháng đầu năm 2022, Đạt Phương Group cũng đã đối diện với trạng thái dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh âm hơn 297 tỷ đồng, trong đó, dòng tiền âm chủ yếu do công ty phải chi phối nguồn lực tài chính cho hàng tồn kho. Trong khi đó, giá trị nợ phải trả của doanh nghiệp cũng ở mức khá cao, ghi nhận tại thời điểm giữa năm 2022 là 4.128 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu cùng thời điểm chỉ là 2.004 tỷ đồng. Giá trị nợ phải trả theo đó lớn gấp hơn 2 lần so với vốn chủ sở hữu của công ty, trong đó riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận con số 1.074 tỷ đồng, còn giá trị vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 1.767 tỷ đồng.

Về diễn biến giá cổ phiếu DPG của Đạt Phương, cổ phiếu này sụt giảm giá liên tục trong thời gian vừa qua. Từ giữa tháng 09/2022 đến nay, trị giá cổ phiếu DPG đã giảm từ trên 50.000 đồng/cổ phiếu xuống quanh mức 30.000 đồng cổ phiếu. Đặc biệt, giá cổ phiếu này vẫn tiếp tục giảm ngay cả sau khi có thông tin công ty trúng gói thầu với trị giá khá lớn như trên.

Như vậy, bầu không khí kinh doanh gần đây của Đạt Phương tỏ ra khá sôi động là vậy, nhưng doanh nghiệp này cũng sẽ phải cân đối nguồn lực tài chính để đề phòng khả năng có thể “hụt hơi” về dòng tiền nếu “chạy” quá nhanh, nhưng sự chuẩn bị về nguồn lực tài chính chưa đủ mạnh.

Những tồn tại của doanh nghiệp đã được giải quyết

Cuối tháng 01/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương. Theo đó, Tập đoàn Đạt Phương đã có hành vi khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng biếu tặng không thực hiện theo quy định về hàng biếu tặng. Đồng thời, Công ty cũng hạch toán chi phí không phù hợp với doanh thu trong kỳ, kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương bị phạt hành chính 14,5 triệu đồng. Đồng thời, Công ty phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp thiếu vào ngân sách Nhà nước là 72,8 triệu đồng và khoản tiền chập nộp 6,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây không phải lần đâu Đạt Phương Group bị vi phạm thuế. Trước đó, cuối tháng 12/2020, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng đã ra quyết định xử phạt công ty này do khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (theo tỷ lệ 20% trên số thuế truy thu) hơn 139 triệu đồng; bị truy thu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân năm 2019 lần lượt gần 625 triệu đồng và hơn 71 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty còn phải trả tiền chậm nộp thuế hơn 57 triệu đồng; hay như cuối tháng 09/2019, Tập đoàn Đạt Phương cũng đã bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt và truy thu hơn 90 triệu đồng cũng với hành vi khai sai thuế.

Liên quan đếndự án bất động sản của Đạt Phương Group,tại Quyết định số 3613/QĐ-UBND ngày 08/12/2021 UBND tỉnh Quảng Nam chính thức thu hồi, huỷ bỏ Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Lý do được UBND tỉnh Quảng Nam nêu ra là do Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 214/QĐSKHĐT ngày 14/10/2021 về việc chấm dứt hoạt động của dự án. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 09/11/2021 về việc thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Thu hồi đất khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của Công ty Cổ phần Đạt Phương.
Thu hồi đất khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của Công ty cổ phần Đạt Phương.

Theo tìm hiểu, đây là một dự án quy mô 183,87 ha, trong đó đất dự án khoảng 179,3 ha và đất hạ tầng tuyến đường Thanh niên ven biển khoảng 4,57 ha. Dự án do Đạt Phương làm chủ đầu tư với tính chất là khu vực phát triển dân cư, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và dịch vụ thương mại tổng hợp.

Việc Đạt Phương Group bị thu hồi dự án đã khiến không ít người bất ngờ bởi cả 04 dự án bất động sản do doanh nghiệp này phát triển đều nằm tại Quảng Nam bao gồm: Khu đô thị Đồng Nà có diện tích 6,4ha; Khu đô thị Cồn Tiến trên diện tích 30ha; Khu đô thị Bình Dương trên diện tích 183ha và Quần thể Biệt thự nổi Sinh thái Casamia có tổng diện tích 15,6 ha.

Ngoài ra, biến cố bất ngờ việc thu hồi dự án cũng có thể tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu làm thay đổi giá trị thị trường của các tài sản đảm bảo cho khoản vay trái phiếu và gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của các trái chủ.

Thương hiệu & Công luận tiếp tục chuyến đến bạn đọc những thông tin về những mảng sáng, mảng tối còn tồn tại ở các dự án thủy điện, khu đô thị...mang thương hiệu Tập đoàn Đạt Phương.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, trong hai tháng cuối năm 2022 sẽ có hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, chỉ riêng tháng 12 sẽ có gần 48.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.

Liên quan đến việc ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tại Nghị quyết 143 về phiên họp thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết). Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo xử lý.

Cùng đó, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.

Minh An

*Bài viết có sử dụng một số nguồn tư liệu của báo bạn

Tin mới

Lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 của giáo viên, học sinh thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
Lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 của giáo viên, học sinh thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Sở GD&ĐT Hà Nội và Sở GD&ĐT TP. HCM vừa có văn bản về lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5 của giáo viên, học sinh.

Giá lúa gạo hôm nay 24/4: Giá gạo xuất khẩu quay đầu giảm từ 4 - 10 USD/tấn
Giá lúa gạo hôm nay 24/4: Giá gạo xuất khẩu quay đầu giảm từ 4 - 10 USD/tấn

Hôm nay 24/4, giá lúa gạo thị trường trong nước gạo điều chỉnh tăng với gạo và giữ ổn định với lúa, trong khi đó, giá gạo xuất khẩu quay đầu giảm với mức giảm từ 4 - 10 USD/tấn.  Hiện các thương lái hỏi mua lúa Hè Thu nhiều.

Biên phòng Quảng Trị phá đường dây đưa người xuất nhập cảnh trái phép
Biên phòng Quảng Trị phá đường dây đưa người xuất nhập cảnh trái phép

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị vừa triệt phá đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Lào.

Vĩnh Hoàn (VHC) tiếp tục nêu lý do chậm nộp Báo cáo tài chính quý I/2024
Vĩnh Hoàn (VHC) tiếp tục nêu lý do chậm nộp Báo cáo tài chính quý I/2024

Vĩnh Hoàn bất ngờ xin gia hạn nộp và công bố Báo cáo tài chính quý I/2024 chậm nhất vào ngày 15/5/2024 thay cho quy định hiện hành là chậm nhất ngày 30/4/2024.

Trọng tâm của phiên họp lần thứ 8 về chuyển đổi số là thảo luận về kinh tế số
Trọng tâm của phiên họp lần thứ 8 về chuyển đổi số là thảo luận về kinh tế số

Phiên họp tập trung đánh giá tình hình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số từ đầu năm tới nay và thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thời gian tới.

Dự án nào được ký kết hợp đồng BOO?
Dự án nào được ký kết hợp đồng BOO?

Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), gồm hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO) phải thuộc lĩnh vực, quy mô và đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn.