Lựa chọn của tương lai

Thương mại trên nền tảng số, bao gồm sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán hoặc bàn giao hàng hóa và dịch vụ - cả trong và ngoài nước - được hỗ trợ bởi các luồng dữ liệu xuyên biên giới. Điều này, bao gồm kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ được hỗ trợ bằng kỹ thuật số và các luồng dữ liệu xuyên biên giới, tạo ra giá trị kinh tế cho nền kinh tế trong nước.

Có thể kể đến một số ứng dụng công nghệ liên quan cho các ngành nội địa như cơ sở hạ tầng (phần mềm Autodesk), dịch vụ tài chính (ví điện tử), sản xuất (robot), nông nghiệp và thực phẩm (công nghệ canh tác), tiêu dùng và bán lẻ (công nghệ truyền thông mạng xã hội, công nghệ IoT), giáo dục và đào tạo (công cụ học tập trực tuyến), tài nguyên (hệ thống GPS tích hợp, tự động tháo dây chuyền, thăm dò thông minh, các ứng dụng an toàn), y tế (chăm sóc sức khỏe từ xa)…

Thương mại trên nền tảng số: Chìa khóa giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh - Hình 1

Hội thảo “Cách mạng dữ liệu: Thương mại trên nền tảng số và cơ hội cho Việt Nam”

Thương mại trên nền tảng số đem lại cho Việt Nam lợi ích kinh tế trị giá lên đến 81.000 tỷ đồng (3,5 tỷ USD) thông qua việc thúc đẩy các công nghệ kỹ thuật số giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí và tạo ra nguồn doanh thu mới.

Về giá trị xuất khẩu số, Việt Nam hiện đạt được không lớn, nhưng các DN địa phương đã quyết tâm nắm lấy cơ hội này và có tiềm năng tiến xa hơn cùng với việc xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số. Xuất khẩu số của Việt Nam, ước tính trị giá 97.000 tỷ đồng (4,3 tỷ USD), trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 8 của quốc gia (tương đương khoảng 2% tổng giá trị xuất khẩu).

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều đang hưởng lợi từ tốc độ số hóa nhanh chóng trong hoạt động kinh doanh, tăng năng suất và tăng trưởng. Tuy nhiên, có những nước được lợi nhiều hơn các nước khác vì nền kinh tế của họ số hóa tốt hơn. Nhiều quốc gia đang chuyển dịch từ nước hưởng lợi thụ động sang chủ động khai thác và tận dụng các lợi ích nền kinh tế số và họ đang trở thành quốc gia số.

Những thách thức không nhỏ

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, các vấn đề kinh tế hiện đại chủ yếu dành cho những người trẻ. Dù đang có tốc độ tăng trưởng cao, với một khát khao thay đổi, vươn lên nhưng chúng ta vẫn chưa thể thu hẹp được khoảng cách với nhiều nước.

Bà Chi Lan đưa ra 3 khía cạnh mà bà cho rằng đó là thách thức không nhỏ cho Việt Nam hiện nay khi tiếp cận thương mại số: “Trước hết là các vấn đề về dữ liệu (data), đặt ra yêu cầu tại các thành phố lớn phải hình thành một trung tâm dữ liệu. Thông tin chúng ta đang thiếu, thống kê đưa ra cũng chưa kịp thời, công bố chậm, điều chỉnh nhiều. Cả Nhà nước và DN đều có quy định về giấu giếm thông tin, tạo thành số liệu không đủ tin cậy, như vậy làm sao có thông tin dữ liệu chung, làm cho dữ liệu, các con số đưa ra chưa đủ độ tin cậy. Và như vậy, dữ liệu này chưa làm cho chúng ta có đủ cơ sở để hoạch định, đánh giá các vấn đề.

Tiếp đến là vấn đề về pháp luật. Từ 2015 trở lại đây, Nhà nước đưa ra một loạt chính sách về phát triển công nghệ cao, tuy nhiên hệ thống luật pháp đang có vấn đề. Các quy định mới đưa ra chưa thể có đủ minh bạch, nhất quán, còn vênh với văn bản cũ, có chính sách nhưng thực tế DN chưa thể tiếp cận được. Đây là điều đáng lo.

Hệ thống pháp luật của chúng ta có một loạt quy định chuyên ngành, chẳng hạn như các quy định về điều kiện kinh doanh đang cản trở hoạt động của nhiều DN. Các DN Việt Nam, nhiều khi hoạt động đa ngành nhiều, sẽ lập tức vấp phải những quy định này. Một số vấn đề trong quy định, nếu không phải là phổ biến thì không nên đưa ra theo kiểu một người bị bệnh bắt cả làng uống thuốc.

Thách thức sau cùng đó là tập quán kinh doanh. Hiện nay, có 98% DN là nhỏ và vừa nên sẽ có những hạn chế khi quy mô quá nhỏ lại buôn bán nhiều mặt hàng. Phần lớn các DN này đang thiếu thông tin trên thị trường (ví dụ, NTD có hài lòng về sản phẩm của mình không; những thay đổi của NTD; thói quen NTD; quy định của nhà nước; thay đổi của thị trường…)”.

Theo chuyên gia kinh tế vĩ mô, Giám đốc Đối ngoại AlphaBeta - TS. Konstantin Matthies, để Việt Nam nắm bắt cơ hội thương mại trên nền tảng số, cần giải quyết được 3 vấn đề: Đảm bảo lưu lượng dữ liệu mở và khả năng tương tác, xem xét lại các hạn chế về nội dung và khuyền khích các biện pháp hướng đến sáng kiến đổi mới trong quy định về bản quyền và trách nhiệm trung gian, giảm thiểu các rào cản trong hợp tác kinh tế giữa DN trong và ngoài nước.

Việt Nam đang tham gia hàng chục hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. TS. Konstantin Matthies cho rằng, nếu giải quyết được 3 vấn đề nêu trên, có thể giúp các DN Việt Nam gia tăng cơ hội xuất khẩu.

Vượt qua các rào cản

Diễn đàn APEC đã lập ra hệ thống quy tắc bảo vệ dữ liệu riêng tư xuyên biên giới (CBPR) và Hệ thống công nhận quyền riêng tư cho bên xử lý dữ liệu (PRP), yêu cầu các DN tham gia thi hành chính sách bảo vệ dữ liệu phù hợp với khung quy định về quyền riêng tư của APEC.

Các hình thức bảo vệ quyền riêng tư này cho phép có các luồng dữ liệu xuyên biên giới, mà vẫn bảo vệ được quyền riêng tư thông qua các cơ chế thi hành có khả năng tương tác. Mặt khác, các yêu cầu nội địa hóa dữ liệu, trên thực tế có thể làm tăng rủi ro về quyền riêng tư với việc yêu cầu dữ liệu được lưu trữ ở các địa điểm tập trung duy nhất, vốn dễ bị xâm nhập hơn.

Đối với các mối quan ngại về an ninh mạng, TS. Konstantin Matthies cho rằng, nội địa hóa dữ liệu không hẳn là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia mà vấn đề nằm ở chỗ, phải đưa các DN vào khuôn khổ để họ có tính tôn trọng với thông tin. Việc “không quản lý được thì cấm” sẽ tạo ra những cái không tốt.

Việc áp dụng các hệ thống lưu trữ dữ liệu hiện đại - sẽ giúp phân vùng cơ sở dữ liệu để tách các cơ sở dữ liệu lớn thành nhỏ hơn, nhanh hơn và dễ quản lý hơn, được gọi là các mảnh dữ liệu. Với cách thức này, dữ liệu được truyền đi một cách thông minh. Dữ liệu được di chuyển và sao chép giữa các trung tâm lưu trữ và xuyên biên giới, đảm bảo tính toàn vẹn, hiệu quả và bảo mật.

Có lập luận cho rằng, thương mại số trên nền tảng tự do sẽ dẫn đến một số công ty đa quốc gia (có quy mô lớn) nắm bắt được lợi ích kinh tế, trong khi lợi ích mà các DN trong nước nhận được là hạn chế và nền kinh tế trong nước sẽ đánh mất cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, TS. Konstantin Matthies tin tưởng rằng, thương mại số sẽ giúp tạo ra các DN “vô địch” với năng suất cao ở trong nước và điều đó thậm chí còn đúng hơn đối với lĩnh vực kỹ thuật số. Nhiều công ty đa quốc gia đã có những đóng góp quan trọng đối với ngành công nghiệp kỹ thuật số bản địa như đầu tư vào nghiên cứu (của Samsung), hỗ trợ đổi mới (của BIM), hỗ trợ DN nhỏ (của google, facebook), hỗ trợ cho hệ thống giáo dục (của SAP)…

Một mối lo ngại của nhiều nhà hoạch định chính sách là thương mại trên nền tảng số giúp DN dễ dàng chuyển lợi nhuận sang các khu vực pháp lý đánh thuế thấp để tránh phải trả thuế. Tuy nhiên, nhận định này không hoàn toàn được chứng minh bởi dữ liệu.

Nghiên cứu của Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu (ECIPE) cho thấy, các khoản thuế mà các công ty Internet lớn nhất thế giới phải trả trung bình ngang các DN hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Anh Đức – Cao Huyền