Ngày 11/07, tại Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Dự án), Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án tại Tờ trình số 153/TTr-CP ngày 28/04/2022.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau và thành phố Cần Thơ.
Nghị quyết số 44 có xác định nhu cầu sơ bộ sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha; giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án.
Đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 1.054,63 ha
Về diện tích rừng, đề nghị chuyển mục đích sử dụng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, phạm vi nghiên cứu của Dự án dự kiến có chuyển mục đích sử dụng rừng giai đoạn 2021 - 2025 và thời kỳ 2021 - 2030 gồm 7 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng; 802,91 ha rừng sản xuất; 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha).
Về chuyển mục đích đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, Bộ trưởng cho biết, theo Nghị quyết số 44 xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng là “đất rừng” và “đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên”; tuy nhiên, pháp luật về đất đai chỉ quy định đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương; đối với đất lâm nghiệp bao gồm đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất.
Vì vậy, để thống nhất cho phù hợp với phân loại đất theo quy định của pháp luật về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng số liệu tổng hợp của các địa phương báo cáo về diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất để đánh giá đất rừng; đất chuyên trồng lúa nước để đánh giá đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên.
Chuyển mục đích sử dụng đất dự án cao tốc đường bộ Bắc-Nam.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân sự chênh lệch số liệu về chiếm dụng diện tích rừng, đất rừng và đất lúa giữa bước chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua và Tờ trình số 248 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trong bước nghiên cứu tiền khả thi, hướng tuyến chủ yếu được xác định trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 - 1/100.000, do đó số liệu được tính toán mang tính tương đối.
Tại bước lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa, việc xác định diện tích chiếm dụng, phân loại rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên được xác định trên nền bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ hiện trạng sử dụng đất với tỷ lệ 1/2.000, nên đã phân định khá chi tiết, chính xác hơn về các loại rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất), về đất rừng, đất trồng lúa và được cắm mốc tại thực địa, thống nhất với địa phương, các cơ quan liên quan, đây là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch số liệu giữa Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị làm rõ tác động của việc thay đổi diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên đối với tổng mức đầu tư Dự án và phương án phát triển đất, trồng rừng, trồng lúa thay thế đối với phần diện tích cần chuyển đổi cho Dự án theo quy định pháp luật.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại phiên họp, phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất nguyên tắc cho phép chuyển đổi diện tích tăng thêm so với diện tích chuyển đổi theo Nghị quyết 44 và đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ. Việc chuyển đổi phát sinh khi xây dựng đường cao tốc phải thực hiện theo đúng pháp luật và báo cáo Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên, bảo đảm tối ưu diện tích đất chuyển đổi, chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu này.
Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thống kê, kiểm đếm chính xác các loại đất, diện tích đất, loại rừng, giám sát không để các đối tượng lợi dụng trục lợi, khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép.
Với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025./.
P.T