Từ tháng 10 này, Cục Y tế dự phòng và Dự án tiêm chủng mở rộng (Bộ Y tế) quyết định cho tiêm trở lại trên toàn quốc đối với vắc xin Quinvaxem. Tuy nhiên, những sự cố liên quan đến vắc xin xảy ra thời gian qua, khiến không ít bậc cha mẹ băn khoăn khi đưa con mình đi tiêm phòng?

Quyết định này được Bộ Y tế đưa ra sau 5 tháng tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem để điều tra vì liên quan đến một loạt ca tai biến sau tiêm nghi ngờ đến loại vắc xin này.

Ảnh minh họa

Chưa thực sự yên tâm

Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến tháng 4/2013 ghi nhận 43 trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem, có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc xin. Trong 9 trường hợp này thì 8 ca là sốt, co giật, giảm trương lực cơ, có phản ứng dị ứng, nổi ban (là phản ứng của kháng nguyên lạ, tùy thuộc vào cơ địa của trẻ, không phải tất cả trẻ em khi tiêm vắc xin đều gặp phản ứng này) và một trường hợp sốc phản vệ nhưng sau điều trị đã qua khỏi.

17 trường hợp tai biến sau tiêm chủng có liên quan đến bệnh lý sẵn có của trẻ (14 ca tử vong), 17 trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Bộ Y tế đã mời Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra, kiểm định độc lập về vắc xin này. Kết quả kiểm định độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (Vương quốc Anh) cho thấy, mẫu vắc xin Quinvaxem thuộc 3 lô 1453037, 1453074 và 1453127 - các lô vắc xin có nghi ngờ liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam, đạt các yêu cầu về chất lượng.

Mặc dù đã được Bộ Y tế khẳng định về chất lượng vắc xin, tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ khó có thể yên tâm khi GS. TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng cho hay: “Tái sử dụng Quinvaxem, chúng ta nhìn thấy trước, khi sử dụng lại vẫn sẽ có những phản ứng phụ không mong muốn tiếp tục xảy ra.

Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh, không vắc xin nào an toàn tuyệt đối, không có loại vắc xin nào phòng bệnh cho tất cả mọi người mà lại không có phản ứng nào ngoài mong đợi. Tới đây, toàn bộ số trẻ tiêm mới cũng như số trẻ tiêm lại sau 5 tháng tạm dừng, lượng trẻ tiêm tăng lên rất nhiều. Với số lượng tiêm lớn như vậy, cũng rất lo lắng có thể xảy ra phản ứng nặng gây tử vong, vì thế cần đẩy mạnh an toàn tiêm chủng”.

Để giảm thiểu những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, GS. Hiển cho rằng, cần làm tốt quy trình tư vấn, sàng lọc, chỉ định tiêm chủng, hướng dẫn bà mẹ theo dõi sau khi tiêm vắc xin.

Nhiều điểm tiêm chủng chưa đạt tiêu chuẩn

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 2 tháng qua, ngành y tế đã thanh tra, kiểm tra hơn 6.600 điểm tiêm chủng trong tổng số gần 17.000 điểm trên toàn quốc.

Trong đó, nhiều điểm có cơ sở vật chất không bảo đảm như chật hẹp, xuống cấp; tiến độ đào tạo nhân lực cho tiêm chủng chưa đạt yêu cầu... Trong số điểm tiêm chủng đã kiểm tra, nhiều địa phương chỉ có 30 - 55% cơ sở đủ điều kiện. Ông Bình thừa nhận tiến độ kiểm tra điểm tiêm chủng chậm, trong khi yêu cầu phải đạt 100% trước khi tiêm vắc xin Quinvaxem trở lại. Chỉ những điểm đủ các điều kiện an toàn mới được tiêm chủng Quinvaxem.

PGS. TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM cho biết, kết quả kiểm tra 60 điểm tiêm chủng tại các xã, khoa sản và điểm tiêm dịch vụ mới đây cho thấy, có đến 85% số điểm chưa đạt điều kiện về an toàn tiêm chủng. Đáng chú ý, trong số 20 điểm tiêm chủng bệnh viện được kiểm tra, không điểm nào đủ điều kiện.

Vi phạm chủ yếu là chưa có áp phích quy định về tiêm chủng, cán bộ tiêm chủng và khám sàng lọc chưa được tập huấn, chưa có kế hoạch về tổ chức tiêm chủng. Nhiều điểm tiêm chủng bệnh viện chưa có hướng dẫn tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh...

Đánh giá công tác tiêm chủng thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, điểm tiêm chủng tại khoa sản, khoa sơ sinh của các bệnh viện hiện còn nhiều vấn đề. Vì thế, cần giao trách nhiệm cho giám đốc các bệnh viện, trưởng khoa sản, khoa sơ sinh của các bệnh viện để bảo đảm chất lượng tiêm chủng.

Ước tính, từ nay đến cuối năm 2013, số trẻ tiêm chủng tăng gấp 5 lần so với thông thường nên công tác an toàn tiêm chủng càng phải được chú trọng.

GS. TS. Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho rằng, cần công khai các điểm tiêm chủng làm tốt và chưa tốt để lãnh đạo địa phương phải có trách nhiệm với dân. Ngoài việc tổ chức chiến dịch thanh, kiểm tra như hiện nay thì các địa phương, ngành y tế còn cần làm tốt công tác hậu kiểm.

Tiếp tục hoạt động giám sát công tác an toàn tiêm chủng từ Trung ương xuống địa phương và phải giám sát tất cả các buổi tiêm chủng. Việc xử lý tai biến tại địa phương cũng cần triển khai tốt hơn và cần vào cuộc ngay khi tai biến mới xảy ra.

Chia sẻ về tổ chức buổi tiêm chủng cho 50 trẻ, TS. Nguyễn Văn Bình bày tỏ lo lắng về việc thực hiện. Bởi trước đây, mỗi xã, phường thường chỉ tổ chức 1 điểm tiêm vào 1 ngày trong tháng nên số lượng trẻ tại các điểm tiêm thường rất đông, có nhiều nơi lên đến hàng trăm cháu/buổi tiêm khiến việc khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm còn hạn chế. Với quy định mới, việc khám sàng lọc sẽ kỹ càng hơn, theo dõi sau tiêm tốt hơn, nhưng việc tăng buổi tiêm cũng rất khó khăn cho các địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế kiên quyết thực hiện và cũng yêu cầu tại thời điểm tiêm chủng, mỗi huyện cần bố trí 3 - 5 đội cấp cứu lưu động với đầy đủ trang thiết bị, sẵn sàng ứng cứu nếu có sự cố sau tiêm vắc xin.

Nguyễn Thu Hồng (Gia Lâm, Hà Nội): Bác sỹ cần tư vấn kỹ

Là bậc cha mẹ, tôi rất lo lắng khi thời gian gần đây, liên tiếp có những sự cố liên quan đến tiêm phòng vắc xin. Sự cố xảy ra tuy không nhiều, nhưng nó liên quan đến nhiều khâu như bảo quản, nguồn gốc thuốc, tiêm sai… nên nhiều khi rất khó kiểm soát.

Tuy nhiên, theo tôi, muốn đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ thì cần phải khắc phục những hạn chế trong khâu tiêm chủng như bác sỹ cần tư vấn kỹ lưỡng hơn cho các bậc cha mẹ trước khi tiêm cho trẻ. Bởi trước đây, khi tôi đưa con đi tiêm thì thấy, do lượng trẻ tiêm trong 1 ngày quá đông và tiêm cho nhiều lứa tuổi nên bác sỹ thường bỏ qua khâu này và chỉ trả lời khi có người thắc mắc thôi.

Nguyễn Thị Thảo (Linh Đàm, Hà Nội): Sợ vắc xin trong đá lạnh

Trước đây, tôi vẫn đưa con đi tiêm theo chế độ tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, sau một lần nhìn thấy y tá cho vắc xin vào thùng đựng đá lạnh, tôi rất sợ, từ đó tôi không cho con đi tiêm chủng mở rộng nữa mà đến các phòng tiêm dịch vụ. Tôi không biết vắc xin để trong thùng lạnh có an toàn không, nhưng cảm giác không yên tâm.

Tuy nhiên, vì ở thành phố nên tôi có nhiều lựa chọn trong việc tiêm phòng vắc xin cho con. Vẫn biết không loại vắc xin nào an toàn tuyệt đối, song không ai muốn con mình bị rơi vào trường hợp không an toàn. Vắc xin là để tiêm phòng mà lại bị tai biến thì quá nguy hiểm rồi.

Hà Thu Hiền (Lâm Thao, Phú Thọ): Không có lựa chọn nào khác...

Chứng kiến cảnh chờ đợi ở trung tâm y tế xã để đến lượt con mình tiêm, tôi mới thấy sợ. Bởi cả xã chỉ có 1 điểm tiêm chủng, rất đông đúc và nhốn nháo. Con tôi cũng từng bị tiêm nhầm vì lý do trùng tên với một cháu bé khác. Lỗi này là do cả người nhà nghe không rõ và bác sỹ không nhận ra.

Tôi đã từng hỏi các bác sỹ, y tá ở trung tâm y tế dự phòng để xem có thể tiêm vắc xin dịch vụ, nói thật tôi không tin lắm vào quy trình bảo quản vắc xin ở địa phương. Nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác và không thể không tiêm phòng cho con, chỉ cầu mong  xác suất không mong muốn kia không rơi trúng con mình…

Bích Hà