Kỳ 1: Mỹ phẩm Luci One: “Nổ” công dụng của sản phẩm như thuốc?
Kỳ 2: Công ty “ẩn mình”, giám đốc... biến mất sau phản ánh (?!)
Công dụng mỹ phẩm được thổi phồng
Như đã thông tin ở bài viết trước, mỹ phẩm Luci Vina đã quảng cáo trên nhiều website và mạng xã hội Facebook với những công dụng được thổi phồng nhằm đánh lừa người tiêu dùng. PV đã tìm hiểu sâu hơn hoạt động của nhà phân phối mỹ phẩm Luci Vina trên thị trường.
Được biết, Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm LUCI VINA (Công ty Luci Vina, địa chỉ số 30, tổ 26, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh (Hà Nội, do bà Tạ Thị Kim Cúc giữ chức vụ Giám đốc), thấy được nhiều bất cập hơn nữa...
Sản phẩm được gia công tại Việt Nam
Theo văn bản trả lời gửi qua email từ phía Công ty Luci Vina tới Thương hiệu & Công luận, website http://lucione.com.vn là của công ty và đã đăng ký tại Bộ Công thương.
Cũng trên website này, Công ty Luci Vina quảng cáo là chuyên nhập khẩu và phân phối độc quyền dòng mỹ phẩm cao cấp Luci One, nhãn hiệu được đăng ký và bảo hộ độc quyền, sản phẩm của Luci One được Sở Y tế Hà Nội cấp phép lưu hành… Chỉ trong một thời gian ngắn, Luci One đã chinh phục được hàng triệu khách hàng khó tính với những sản phẩm cực kỳ được ưa chuộng như CC Cushion Whitenigh Perfect Cream... Luci One tổng cộng có 11 loại sản phẩm với chăm sóc da giúp dưỡng trắng toàn thân, trị nám da, trị sẹo, trị mụn và vết thâm sau mụn.
Nhưng trên thực tế, theo đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, mỹ phẩm Luci One được gia công tại một nhà máy trong nước là Công ty TNHH TM&DV mỹ phẩm Ruby’s World, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Thạch Thất, thôn Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai (Hà Nội) và không phải sản phẩm nhập khẩu.
Để tăng niềm tin từ khách hàng, Công ty Luci Vina cũng cho rằng “đã được nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng, có nhiều hot girl sử dụng và chứng mình hiệu quả của sản phẩm”… Nhưng, theo điều tra của PV, những lời quảng cáo “có cánh” đó trái với thực tế.
Không dừng lại ở đó, trên nhiều trang mạng xã hội, tại phần video, giới thiệu với khách hàng, bà Tạ Thị Kim Cúc đã liên tục dùng những lời “thần thánh hóa” để nói về sản phẩm Luci One.
Vị này còn cam kết: “Hộp kem trị nám Luci One là sự lựa chọn không thể thiếu đối với các chị đang gặp vấn đề về nám và tàn nhang... Với các thành phần nguyên liệu tự nhiên được nhập khẩu hoàn toàn từ các quốc gia có nền công nghiệp nổi tiếng mỹ phẩm trên thế giới..., em Cúc cam kết đảm bảo với các chị là khỏi dứt điểm các vấn dề về nám da và tàn nhang”…
Tuy nhiên, đằng sau những lời giới thiệu như “rót mật vào tai” ấy, liệu rằng, những sản phẩm của Công ty Luci Vina liệu có thực sự an toàn và chất lượng?
Người tiêu dùng cần thận trọng
Ngay sau khi có bài phản ánh trên Thương hiệu & Công luận Mỹ phẩm Luci One: “Nổ” công dụng của sản phẩm như thuốc?", theo điều tra của PV, nhiều ngày tại trụ sở Biệt thự số 25, KĐT MonCity, Ngõ 2, đường Hàm Nghi, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã đóng cửa im lìm, nhưng điện bên trong vẫn sáng.
Cũng theo vị đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, sáng 22/5/2019, đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra đột xuất tại địa chỉ trên, nhưng thấy đóng cửa, điện sáng bên trong, tuy ấn chuông nhiều lần nhưng không thấy ai. Gọi điện cho vị giám đốc của công ty nhiều lần, nhưng không nghe máy...
Câu hỏi đặt ra:
Vì sao Công ty Luci Vina phải “ẩn mình” và PV liên hệ đặt lịch làm việc thì trả lời qua mail? Đến như đoàn kiểm tra - Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xuống, gõ cửa nhiều lần, cũng chỉ nhận được sự im lặng?
Phải chăng, ở đây có điều gì "khuất tất"? Giả sử, nếu người tiêu dùng khi sử dụng mỹ phẩm của Công ty Luci Vina xảy ra sự cố, với tình trạng trên, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?...
Công ty Luci Vina đóng cửa im ỉm nhiều ngày, sau khi Thương hiệu & Công luận phản ánh sự việc?
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc làm việc với Sở Y tế Hà Nội. Tại buổi làm việc, đại diện Sở Y tế cho biết, ngoài mỹ phẩm ngừa nám Luci one đã đăng ký quảng cáo, còn lại hơn 10 sản phẩm khác của công ty chưa hề được Sở cấp phép cho quảng cáo trên thị trường.
Mỹ phẩm Luci One không có khả năng trị nám như lời quảng cáo của đơn vị đưa ra
Vị đại diện đưa ra nhận định, trên thị trường mỹ phẩm hiện nay, nhiều sản phẩm mỹ phẩm quảng cáo quá công dụng, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm nghiêm trọng về thành phần, tác dụng của nó. Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo và tìm hiểu thông tin về sản phẩm mỹ phẩm đó trước khi mua dùng.
Thực tế, người tiêu dùng đã bỏ ra một số tiền không nhỏ (hơn 1 triệu 500.000 đồng) để mua 2 lọ kem được quảng cáo như là thuốc trị nám, nhưng thực chất chỉ là mỹ phẩm dưỡng da ngừa nám, còn có tác dụng đến đâu thì chưa ai khẳng định được.
Thực trạng quảng cáo mỹ phẩm quá lố bằng nhiều hình thức, chiêu trò gây ngộ nhận cho người dùng, đã đến mức báo động. Nhiều đơn vị núp bóng, sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm với nhiều chức năng quá tầm sản phẩm. Với hàng loạt dấu hiệu bất thường, đặc biệt việc lập lờ tên gọi, quảng cáo mỹ phẩm nhưng “nổ” công dụng như thuốc khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.
Trước sự việc trên, đề nghị Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, Sở Y tế Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội… vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ những thắc mắc của bạn đọc, tránh tình trạng hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu tới người tiêu dùng.
PV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có thông tin từ phía các cơ quan hữu quan.
Theo Văn bản số 1609/QLD-MP ngày 10/02/2012 của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) về hướng dẫn phân loại mỹ phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm thì, việc đặt tên cho sản phẩm như “trị, chữa khỏi, làm lành mụn”... đều không được chấp nhận dùng trong mỹ phẩm.
Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.
Trang Nguyễn