Quyết tâm thực hiện “Mục tiêu kép” - Vừa tập trung thúc đẩy SXKD, tạo sức bật cho nền kinh tế và bảo đảm đời sống của nhân dân; vừa phòng chống dịch bệnh, trong năm 2020, hàng loạt cơ chế, chính sách thuế, phí, lệ phí được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Trong đó, một số chính sách thuế đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực như: Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các DN và hộ kinh doanh; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020...
Đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các Nghị định liên quan tới quy định miễn lệ phí môn bài đối với nhiều đối tượng.
Thực hiện một số chính sách về phí, lệ phí, như: Nghị định 70 của Chính phủ về giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020; Nghị định 22 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về lệ phí môn bài; Nghị định 53 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Thông tư 34 của Bộ Tài chính quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng; Thông tư 35 của Bộ Tài chính quy định mức thu, nộp phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch...
Năm 2020 ngành Thuế tỉnh Vĩnh Phúc thu nộp ngân sách 478 tỷ đồng lệ phí trước bạ, đạt xấp xỉ 87% dự toán và bằng gần 98% so với cùng kỳ; các khoản phí và lệ phí khác thực hiện cả năm đạt 99 tỷ đồng, vượt 10% so với dự toán và vượt 11,8% so với cùng kỳ.
Cũng trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.500 doanh nghiệp thành lập mới được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập. Đây là sự hỗ trợ hết sức tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, góp phần khích lệ các DN, nhất là các DN quy mô nhỏ và vừa, mới thành lập có thêm nguồn lực đầu tư và từng bước mở rộng SXKD.
Năm 2021, trước những diễn biến phức tạp, khó dự đoán của đại dịch Covid-19, nền kinh tế trong nước được dự báo sẽ còn tiếp tục chịu nhiều tác động nghiêm trọng; để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã đề xuất xin ý kiến chỉ đạo và được Chính phủ chấp thuận về chủ trương gia hạn đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm trong năm 2020.
Theo đó, ngày 29/12/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí. Thông tư nêu rõ 29 loại phí, lệ phí tiếp tục được giảm với mức từ 50 - 100% kể từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021. Trong đó, một số loại phí, lệ phí được giảm đáng kể, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy SXKD, tạo sức bật cho nền kinh tế và bảo đảm đời sống của nhân dân; vừa phòng chống dịch bệnh.
Bao gồm các loại phí trong nhiều lĩnh vực như: Chứng khoán; ngân hàng; xây dựng; du lịch; hàng không; y tế; vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng cháy chữa cháy; các phí đường bộ; phí cấp căn cước công dân; lệ phí cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; lệ phí sở hữu công nghiệp; phí khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu về môi trường và nhiều loại phí khác.
Đây là những nội dung được rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng và quan tâm bởi thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí của Chính phủ triển khai trong năm 2020 đã phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động SXKD, thậm chí nhiều DN đã tận dụng thời cơ để tăng trưởng trở lại.
Để triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí của Chính phủ, ngành Thuế Vĩnh Phúc chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực, các phòng, ban chuyên môn trực thuộc rà soát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận và các lĩnh vực dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Thông qua đó, góp phần tạo dựng môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp để tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, khuyến khích các hộ kinh doanh quy mô lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Cùng với đó, tích cực triển khai Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, chất lượng phục vụ người dân và DN áp dụng theo mô hình kê khai và nộp thuế điện tử, chữ ký điện tử, hóa đơn điện tử, nộp lệ phí trước bạ điện tử...
Việt Sơn