Sau khi về nước, đàn lợn này được phối giống để sản xuất lợn giống thương phẩmSau khi về nước, đàn lợn này được phối giống để sản xuất lợn giống thương phẩm

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đây là đàn lợn giống bố mẹ đầu tiên trong lô hàng 20.000 con, do Công ty TNHHH dinh dưỡng Việt Đức nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam trong năm nay.

Sau khi về nước, đàn lợn này được phối giống để sản xuất lợn giống thương phẩm. Dự kiến đến cuối năm nay, đàn lợn giống bố mẹ này sẽ cho lợn giống thương phẩm cung cấp ra thị trường.

Bộ NN&PTNT đang tạo mọi điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu lợn giống từ nước ngoài về nước sản xuất giống thương phẩm, đáp ứng nhu cầu tái đàn chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi.

Theo quy định của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đàn lợn giống nhập khẩu sẽ được nuôi cách ly, thực hiện quy trình kiểm dịch động vật trong thời gian từ 28 - 45 ngày, có tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Sau thời gian này, lợn giống khoẻ mạnh, không có dịch bệnh sẽ được cấp chứng nhận cho doanh nghiệp đưa vào trại nuôi sản xuất.

Ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH dinh dưỡng quốc tế Việt Đức cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận chuyển lợn từ Thái Lan về nước gặp nhiều khó khăn. Đàn lợn giống phải đi qua các cửa khẩu tại 3 nước: Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Ở mỗi nước, doanh nghiệp đều phải sử dụng hệ thống xe vận chuyển riêng, khiến chi phí vận chuyển lên tới 2 triệu đồng/con. Tổng chi phí mỗi con lợn nhập khẩu từ Thái Lan (có trọng lượng từ 90 kg trở lên) dao động trong khoảng 13 - 15 triệu đồng/con.

Ngọc Lan