Năm 2023 là năm khó khăn với kinh tế toàn cầu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngân sách sau khi đã có khoản hỗ trợ miễn, giảm thuế khoảng 200 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn thu vượt khoảng 8,1% dự toán.
Năm 2023, kết quả xuất nhập khẩu giảm khoảng 6,6% so với năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD, tuy nhiên xuất siêu vẫn đạt 25,5 tỷ USD. Chính phủ đã thực hiện quyết liệt các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 5,05% nhưng thu ngân sách Nhà nước vẫn tăng cao trong khi Chính phủ vẫn thực hiện miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Có được kết quả trên là do ngành tài chính đã hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhưng sáng tạo và đổi mới trong cách thu. Ví dụ, tập trung vào khai thác những khoản thu tiềm năng mà lâu nay chưa thu được, chẳng hạn như sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, năm 2023 đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài (Youtube, Google, Facebook,…) đã kê khai, nộp thuế cho nhà nước.
Thứ hai là phát hành và quản lý chặt chẽ hóa đơn điện tử, từ đó, doanh thu được phản ánh chính xác, mặc dù giảm thuế nhưng doanh thu vẫn tăng cao nên thuế VAT tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp tăng.
Thứ ba là quản lý chặt chẽ hoàn thuế và chống chuyển giá cũng như kết nối dữ liệu liên thông với máy tính khởi tạo từ máy tính tiền và phát hành hóa đơn may mắn,… Tất cả những giải pháp đó đã góp phần mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Việc gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí trong những năm gần đây được các doanh nghiệp, người dân, chuyên gia kinh tế đánh giá cao, coi đây là sự trợ giúp hiệu quả và thực chất nhất. Năm 2024 vẫn là một năm khó khăn và thách thức. Ngoài việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội giảm thuế VAT 6 tháng, từ 10% xuống 8%, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và giảm các loại phí, lệ phí, giảm 30% tiền thuê đất để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp thì không chỉ có biện pháp giảm thuế mà còn nhiều giải pháp khác như tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý như mở thị trường tiêu thụ, tín dụng ngân hàng, các thủ tục hành chính,… cùng với các giải pháp tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó khăn. Về mặt lý thuyết, trong ngắn hạn chúng ta có thể giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng trong dài hạn, để nâng cao sức mạnh của tài chính công để đảm bảo bội chi ngân sách nhà nước thấp thì chúng ta phải có giải pháp để tài chính công tăng lên bằng các giải pháp về suất thuế ổn định.
Minh Anh(t/h)