Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tán thành với báo cáo của Chính phủ... Ông mong Chính phủ, các ngành phát huy truyền thống, các bộ trưởng nêu cao trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Qua đợt dịch bệnh cho thấy sự cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt lực lượng tuyến đầu như quân đội, công an, y tế. Trong đó, lực lượng y tế xông pha nhiều nhất, vất vả nhất; Chủ tịch nước đã có văn bản yêu cầu ngành y tế, Chính phủ có sơ kết, tổng kết, đánh giá tuyên dương công trạng của lực lượng tuyến đầu.

Chủ tịch nước tại phiên thảo luận tổ sáng nay
Chủ tịch nước tại phiên thảo luận tổ sáng nay

Ông đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tuyên dương những anh hùng, những người có công lớn trong khám chữa bệnh cho nhân dân, những tấm gương thiện nguyện…

Chủ tịch nước nhắc lại chiến lược chuyển từ “Zero Covid" sang thích ứng với Covid-19 bằng phương thức vắc xin, thuốc và 5K.

Dẫn chứng thông tin từ một số nước có hệ thống y tế tiên tiến, tỷ lệ tiêm chủng cao như Singapore hay New Zealand nhưng vẫn giãn cách xã hội, Chủ tịch nước nhấn mạnh không được chủ quan, phải đề cao cảnh giác khi những ổ dịch mới xuất hiện ở Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định.

Ngành y tế, Chính phủ vẫn phải có báo động đỏ, có biện pháp kiên quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa để khoanh ổ dịch ở mức độ giãn cách khác nhau.

Không thể đóng cửa mãi đất nước, phải mở cửa giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn phải đề cao cảnh giác vì Covid-19 vẫn đe dọa nước ta trong thời gian tới. Trách nhiệm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân rất nặng nề, đặc biệt ngành y tế.

Đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội "mở cửa một bước" những ngày qua, Chủ tịch nước đánh giá không khí làm ăn tốt của các doanh nghiệp như ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc; một số địa phương vươn lên mạnh nhẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, TP.Hồ Chí Minh.

Theo ông, niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu đáng mừng. Chủ tịch nước tin tưởng nền kinh tế sẽ trở lại "phong độ" mới và sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.

“Năm nay chúng ta đạt tăng trưởng thấp, khó khăn nhưng năm 2022 sẽ đạt được kế hoạch đặt ra, đời sống nhân dân sẽ ổn định, nâng cao”, Chủ tịch nước tái khẳng định.

Theo Chủ tịch nước, Việt Nam có uy tín với thế giới. “Chúng ta cố gắng giữ một thể chế tốt, điều hành tốt, thu hút mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa thì nhất định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, tốt hơn thời gian tới”.

Đề cập đến các giải pháp trong năm 2022, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường (ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng trong 12 giải pháp đã đề ra, cần xác định ra trọng tâm để tập trung triển khai cho thật tốt.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Ông ví dụ trong phòng chống dịch Covid-19 thì tập trung vào giảm số lượng tử vong hay khi bình thường mới dựa trên tiêu chí nào để việc giao thương, đi lại của dân mới thuận lợi được. Đặc biệt phải tập trung đến vấn đề bao phủ vắc xin, cần đặt trước vắc xin để đi trước đón đầu thay vì "bị động, chạy theo".

Trọng tâm thứ hai là phục hồi và phát triển kinh tế theo ông Cường nên tập trung triển khai các gói kích cầu, giải ngân vốn đầu tư công và cải cách thủ tục hành chính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành (ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đánh giá, Chính phủ và lãnh đạo địa phương cố gắng và cho đến nay đã đạt được cơ bản 8/12 chỉ tiêu, 4 chỉ tiêu chưa đạt được.

Đại biểu Ngô Trung Thành
Đại biểu Ngô Trung Thành

Ông cho rằng, chỉ tiêu GDP năm 2022 đặt ra là 6,5%, có tính khả thi. Hiện nay, mức độ tin tưởng, sự lạc quan vào nền kinh tế Việt Nam thể hiện qua con số làn sóng đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra là, phải có giải pháp để thực hiện được mục tiêu này.

Từ tình hình dịch bệnh Covid-19 với biến thể Delta gây ra hệ quả về y tế, an sinh, kinh tế vừa qua, Đại biểu Thành cho biết cần nâng cao năng lực dự báo, phải xác định rõ, dự báo kịch bản cho năm 2022, diễn biến dịch bệnh như thế nào, kể cả những tháng cuối năm 2021.

Về chiến lược vắc xin, theo ông cũng phải đẩy nhanh tốc độ tiêm, có vắc xin thì cần tiêm sớm, càng chậm ngày nào thì hiệu quả chậm ngày ấy. Dẫn chứng việc Đồng Nai mới được bổ sung 500.000 liều vắc xin nhưng thiếu kim tiêm, Đại biểu bày tỏ băn khoăn và kiến nghị Chính phủ rà soát, chỉ đạo xem vì sao lại có chuyện này.

Lo ngại đứt gãy nguồn lao động khi lượng người dân về quê rất lớn, ông đề nghị Chính phủ có chiến lược, kế hoạch đưa người lao động trở lại.

“Cần có chính sách hỗ trợ người lao động, thậm chí là đưa đón trở lại, tạo nơi ăn chốn ở, điều kiện học hành cho con cái họ, mới hy vọng nối lại chuỗi sản xuất”, ông Thành góp ý.

VT