1954-1964: Phát triển kinh tế miền Bắc

Mặc dù đến năm 1969, Công ty Điện lực miền Bắc (tiền thân của TCT Điện lực miền Bắc) mới hình thành, nhưng sự hình thành được bắt đầu từ ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản các thành phố lớn ở miền Bắc - vĩ tuyến 17.

Giữa năm 1955, khi chúng ta đã hoàn thành tiếp quản những cơ sở điện lực cuối cùng của thực dân Pháp ở địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng: NM điện Thượng Lỹ, Cửa Cấm, Cọc 5 và cũng chính là thời điểm hình thành một cơ quan chuyên trách ngành điện lực toàn miền Bắc.

Ngày 21/7/1955, Bộ Công thương ban hành quyết định thành lập Cục Điện lực và bổ nhiệm ông Hồ Quý Diện làm Cục trưởng. Ngành điện non trẻ ra đời - đã tham dự vào những kế hoạch đầu tiên của nền kinh tế quốc dân nhằm mục tiêu hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc mới được giải phóng (1956-1960).

Từ cuối năm 1955, với sự giúp đỡ của Liên Xô, 2 NM thủy điện Tà Sa và Nà Ngần (Cao Bằng) được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 20/11/1957, cấp điện cho khu mỏ thiếc Tĩnh Túc.

Từ năm 1956-1958, đã khởi công xây dựng các công trình NM điện Lào Cai (8MW), do Liên Xô viện trợ, Hàm Rồng - Thanh Hóa (6MW), Vinh - Nghệ An (8MW), Việt Trì (16MW).

Nhà máy điện Hàm Rồng - Thanh HóaNhà máy điện Hàm Rồng - Thanh Hóa

Vào thời điểm các công trình điện đang triển khai sôi nổi, ngày 14/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường xây dựng NM điện Vinh. Người nhắc nhở: “Được giao quản lý tài sản quý báu này, các cô, các chú cố gắng lên, đừng để cảnh nghèo nàn lạc hậu trở lại trên quê hương Xô Viết của chúng ta”.

Cuối năm 1958, vào thời điểm hàng loạt NM điện sắp đi vào hoạt động, nhu cầu xây lắp các tuyến truyền tải điện có quy mô lớn ngày một cấp bách, các tuyến đường dây 110kV đầu tiên ở miền Bắc được thi công, lấy trạm biến áp xây dựng ở Đông Anh (Hà Nội) làm đầu mối nối với 2 nguồn phát quan trọng là Việt Trì và Thái Nguyên, góp phần phục vụ cho các KCN mới và vùng nông nghiệp rộng lớn.

Đến năm 1960, các cán bộ, kỹ sư điện Việt Nam đã có thể hợp tác cùng các chuyên gia nước bạn thiết kế NM Điện Thanh Hóa.

Tháng 3/1963, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8 tiếp tục bàn về thực hiện kế hoạch 5 năm, nêu rõ hơn mục tiêu cụ thể về điện: “Phải đẩy mạnh việc xây dựng NM Nhiệt điện Uông Bí, Bắc Giang, mở rộng NM điện Vinh, xúc tiến xây dựng NM Thủy điện Thác Bà, kịp thời xây dựng đường dây tải điện, chú trọng các đường dây 6kV và 35kV đi sâu vào đồng bằng phục vụ CN địa phương. Chú trọng phát triển các trạm thủy điện nhỏ ở nông thôn và miền núi” và “đến năm 1965, sản lượng điện phát ra phải đạt 660 triệu kWh, tăng 158% so 1960”.

Đến năm 1965, tổng công suất lắp đặt của các NM điện trên toàn miền Bắc đạt 161MW, gấp 2,5 lần công suất năm 1955 - thời điểm tiếp quản tài sản từ chế độ cũ. Nếu như tổng sản lượng điện thương phẩm của miền Bắc năm 1958 là 80 triệu kWh, thì năm 1965 là 659,5 triệu kWh, tăng gấp 5 lần so 1960.

1965-1975: Thử thách trong sản xuất và chiến đấu

Ngày 6/10/1969, Công ty Điện lực miền Bắc (tiền thân của TCT Điện lực miền Bắc) được thành lập theo QĐ số 106/QĐ-TC của Bộ trưởng Bộ Điện và Than, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải tiến quản lý kinh tế, hoạt động theo cơ chế hạch toán kinh tế.

Chiến tranh và những tổn thất do chiến tranh gây nên không ngăn cản được sức sống và sự vươn lên của CBCNV Công ty Điện lực miền Bắc. Sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, cũng như của các cơ quan chủ quản, tinh thần cách mạng và sáng tạo của CBNV Công ty Điện lực miền Bắc đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để không khi nào buông nơi nhận thức “điện phải đi trước một bước”, vừa phục vụ chiến đấu, vừa chuẩn bị cho công cuộc xây dựng sau ngày chiến thắng.

Tháng 12/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 22 đã thông qua Kế hoạch 2 năm khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc. Theo đó, Nghị quyết xác định: “Phải khôi phục xong các NM điện, đẩy mạnh thi công các NM điện đang xây dựng để sớm đưa vào sản xuất, chuẩn bị xây dựng các NM điện mới. Cải tạo hệ thống đường dây và trạm biến thế, xây dựng một số tuyến mới nhằm cân đối nguồn và lưới điện, bảo đảm cung cấp điện có chất lượng và an toàn”.

1976-1985: Cùng cả nước xây dựng CNXH

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn đất nước, sau khi thống nhất, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, công việc đầu tiên của ngành điện nói chung là khôi phục, củng cố hệ thống điện, thống nhất ngành điện trong cả nước. Ngành điện lực được chia thành 3 công ty điện lực quản lý tương ứng với 3 miền: Bắc - Trung - Nam: Công ty Điện lực miền Bắc (tiền thân là Công ty Điện lực), Công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực miền Nam trực thuộc Bộ Điện và Than.

Vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa khôi phục sản xuấtVừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa khôi phục sản xuất

Công ty Điện lực miền Bắc phải thực hiện nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, vừa san sẻ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề vào tiếp quản các cơ sở vật chất của ngành điện lực miền Nam.

Thực hiện Kế hoạch 5 năm 1976-1980, Công ty Điện lực miền Bắc chủ trương khôi phục, củng cố hoàn chỉnh, mở rộng các cơ sở điện sẵn có ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội; xây dựng mới đường dây 220kV đầu tiên ở miền Bắc; chỉ đạo việc khảo sát, thi công NM Nhiệt điện Phả Lại, NM Thủy điện Hòa Bình.

Khôi phục, hoàn chỉnh các trạm biến áp 110kV, xây dựng mới đường dây 220kV đầu tiên ở miền Bắc, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối, cải tạo lưới điện hạ thế của các thành phố. Đến cuối năm 1980, nguồn và lưới điện đáp ứng phụ tải của CN Trung ương tăng hơn 1,6 lần; CN địa phương tăng hơn 1,4 lần; bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng 1,2 lần so 1976.

Ngày 17/2/1979, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra trên toàn tuyến biên giới đất liền. Lại thêm lần nữa, hệ thống điện miền Bắc trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của địch. Phát huy truyền thống anh dũng, bất khuất, tập thể CBNV các đơn vị đã kiên cường bám địa bàn duy trì dòng điện, cung cấp điện phục vụ chiến đấu và sản xuất với quyết tâm “địch phá hỏng, ta lập tức khôi phục”.

Năm 1981, Bộ Điện lực được thành lập theo NĐ số 170-CP ngày 23/4/1981 của Hội đồng Chính phủ. Theo QĐ số 15ĐL1/TCCB ngày 9/5/1981, Công ty Điện lực miền Bắc được chuyển từ Bộ Điện và Than về trực thuộc Bộ Điện lực và đổi tên thành Công ty Điện lực 1. Các sở quản lý phân phối điện khu vực được đổi thành các sở điện lực tỉnh, thành phố.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981 - 1985), cũng là bước triển khai theo Tổng sơ đồ Phát triển điện đầu tiên của ngành điện Việt Nam và từ năm 1981, Công ty Điện lực 1 thực hiện theo Quy hoạch Tổng sơ đồ Phát triển điện giai đoạn 1 (1981 - 1985). Công ty Điện lực 1 đã được giao quản lý những công trình mang tầm cỡ quốc gia và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Từ năm 1986, Công ty Điện lực 1 đã tự chủ về tài chính, tự cân đối thu - chi, tự vay, tự trang trải, đảm bảo hạch toán kinh doanh có lãi. Phân cấp quản lý được quán triệt trong các đơn vị thành viên nhằm hướng các đơn vị đi vào kinh doanh thương mại.

1987-2009: Đẩy mạnh công cuộc CNH-HĐH

Ngày 7/4/1993, Thủ tướng Chính phủ ký QĐ số 146/TTg về việc thành lập lại Công ty Điện lực 1 trực thuộc Bộ Năng lượng với nhiệm vụ: Vừa sản xuất và kinh doanh điện năng trên phạm vi các tỉnh miền Bắc, vừa thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về điện.

Sau thời gian thi công xây dựng khẩn trương, đến cuối tháng 12/1988, Tổ máy số 1 - Thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành an toàn; liền sau đó, hàng năm đưa thêm từ 1 - 2 tổ máy khác vào hoạt động, tăng thêm 20% sản lượng điện, tạo sự chuyển biến về chất của Hệ thống điện miền Bắc. Thời gian đầu, BQL Thủy điện Hòa Bình đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Chính phủ, sau đó, giao lại cho Công ty Điện lực 1 chỉ đạo xây dựng, khai thác và vận hành.

Năm 1990, Công ty Điện lực 1 đã xây dựng để đưa điện vào miền Trung, giải quyết một phần tình trạng thiếu điện ở khu vực này. Đồng thời, thực hiện NQ số 22 của BCH Trung ương (Khóa VI), công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 110kV Thái Nguyên - Cao bằng, Mộc Châu - Mai Châu, Cẩm Phả - Tiên Yên và TBA 110kV Tuyên Quang, Tiên Yên… để đưa điện đến vùng sâu, vùng xa phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội miền núi.

Năm 1995, TCT Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) hình thành, Công ty Điện lực 1 được chuyển từ Bộ Năng lượng về trực thuộc TCT Điện lực Việt Nam từ ngày1/4/1995. Chức năng quản lý nhà nước về điện được chuyển giao về Bộ CN và các sở CN.

Từ 2010 đến nay: Phát triển bền vững

Năm 2010, với sự hình thành của TCT Điện lực miền Bắc trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 1 và tiếp nhận trở lại các công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình. TCT Điện lực miền Bắc được tổ chức theo hình thức công ty TNHH MTV và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Việc chuyển đổi mô hình đánh dấu một bước trưởng thành lớn trong sự phát triển của TCT, cả về lượng và chất, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế.

Phát triển bền vữngPhát triển bền vững

Giai đoạn 2010 - 2014, TCT Điện lực miền Bắc thực hiện các chương trình, mục tiêu lớn mà Đảng và Chính phủ giao. Đó là: Thực hiện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp khu vực nông thôn, trực tiếp bán điện đến các hộ dân, đảm bảo người dân được hưởng giá bán điện theo đúng quy định của Chính phủ; thực hiện chương trình đưa điện đến các thôn bản, miền núi, biên giới và hải đảo phục vụ đời sống nhân dân, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm cấp điện cho các KCN lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Giai đoạn 2014 - 2018, EVNNPC thực hiện “Tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn” và “Năng suất và hiệu quả”, “Đẩy mạnh Khoa học công nghệ”, chú trọng công tác quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả SXKD, nâng tầm thương hiệu.

Anh Minh