Quang cảnh buổi toạ đàm
Tại buổi toạ đàm, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định: “Trong công cuộc đổi mới, tính công bằng, độc lập trong hoạt động tư pháp đã được thể hiện trong các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước như: Tăng quyền và trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để họ nâng cao tính chủ động và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp”.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh, độc lập xét xử nhằm bảo đảm tính tối cao của pháp luật, bảo vệ quyền con người, cân bằng và kiểm soát quyền lực nhà nước, từ đó tạo dựng niềm tin của người dân, tạo sự ổn định xã hội để thúc đẩy kinh tế phát triển vững bền.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng khẳng định: “Trong bối cảnh hội nhập, việc tạo cơ hội để đội ngũ luật sư giao lưu, hợp tác với doanh nhân có ý nghĩa quan trọng, trong việc thúc đẩy cơ hội tìm hiểu về các chức danh tư pháp giữa các nước theo hệ thống thông luật. Với chức năng bảo vệ công lý, luật sư là một nghề cao quý, gắn liền với số phận pháp lý, lòng tin của các cá nhân, tổ chức”.
Thứ trưởng hy vọng mỗi luật sư sẽ luôn giữ tâm trong sáng, nhiệt huyết với nghề nghiệp để làm tốt sứ mệnh phụng sự công lý, đảm bảo công bằng xã hội. Qua tọa đàm này, Việt Nam cũng mong muốn các cơ quan của Anh, Úc cùng bạn bè quốc tế sẽ tiếp tục quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp nói chung và trong việc phát triển nghề luật sư nói riêng.
Với tư cách diễn giả, bà Susan Coralie Kenny, Thẩm phán Tòa án Liên bang Úc đã giới thiệu tới các đại biểu tham dự Tọa đàm, nêu cao tầm quan trọng của tòa án độc lập và công bằng, đối với việc đầu tư và kinh doanh tại mỗi quốc gia. Sau đó, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về các vấn đề lý luận và thực tiễn, liên quan đến tính độc lập và công bằng xét xử tại Vương quốc Anh, Úc và các nước theo hệ thống thông luật. Từ đó góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thanh Bình