Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nghiệp Hoa Kỳ
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Vào ngày 21/9 (giờ địa phương), tại thành phố New York (Hoa Kỳ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tọa đàm, làm việc với các nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ. Sự kiện, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ phối hợp với Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng doanh nghiệp vì sự hiểu biết chung (BCIU) tổ chức.

Tại tọa đàm, lãnh đạo các doanh nghiệp đầu tư lớn của Hoa Kỳ đều bày tỏ vui mừng trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất và hiệu quả. Trong đó, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại chiếm vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bên và luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển toàn diện.

Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng và môi trường kinh doanh. Hai nền kinh tế Việt Nam, Hoa Kỳ có tính bổ trợ lẫn nhau và còn rất nhiều dư địa hợp tác và phát triển trong tương lai, nhất là trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là một hình mẫu trong trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden - chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của một Tổng thống Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, từ con số 0 khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ, đến nay, Việt Nam đã là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm; tăng gần 20 lần từ 6,8 tỷ USD năm 2005 lên gần 125 tỷ USD năm 2022. Hoa Kỳ có gần 12 tỷ USD đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ 11 trong tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Hoa Kỳ hơn 230 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,3 tỷ USD.

Hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ cho thấy tinh thần cầu thị, lắng nghe, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau; hai bên khẳng định tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Trong tuyên bố chung, cùng với những lĩnh vực hợp tác truyền thống lâu nay, một số trọng tâm hợp tác mới được Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất và quan tâm thúc đẩy. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư hiệu quả, hài hòa, bền vững là nền tảng cốt lõi, động lực quan trọng và "động cơ vĩnh cửu" cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức, động lực bắt nguồn từ sáng tạo và đổi mới, sức mạnh từ nhân dân và doanh nghiệp". 

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục vào Việt Nam để hợp tác, đầu tư để cùng thắng, cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần vào hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên xác định khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá và "không có giới hạn" như phát biểu của Tổng thống Joe Biden. Cùng với đó, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa cũng là lĩnh vực hợp tác quan trọng. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tìm kiếm người mất tích, rà phá bom mìn, tẩy độc chất da cam/dioxin…

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ. Việt Nam sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh triển khai đột phá về hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính… để tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà đầu tư trong điều kiện mới.

Trong thời gian tới, với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó biển đổi khí hậu, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo…

PV (T/h)