Bộ Y tế cho biết, đến 6h ngày 1/5, ViệtNam không có ca mắc Covid-19 mới. Hiện tổng số ca mắc vẫn là 270. Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 1/5, đã 15 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 6h ngày 1/5, Việt Nam có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 47.735, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 272; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.246; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 35.217.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 10 ca; Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 5 ca.
Dịch bệnh tại Châu Á đang diễn biến phức tạp
Ở châu Á, trong ngày 30/4, việc HànQuốc không ghi nhận thêm ca nhiễm nào và bước đột phá triển vọng trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị tốt hơn cho bệnh COVID-19 đã góp phần mang đến diễn biến tích cực cho tình hình dịch bệnh toàn cầu.
Tới sáng 1/5, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.765 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 247 trường hợp tử vong, tăng 1 ca so với ngày trước đó.
Trong vòng 24 giờ qua, Singapore ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực với 528 người, qua đó tiếp tục là nước thành viên ASEAN có tổng số ca COVID-19 cao nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Ngoài Singapore, Philippines và Indonesia cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh mới.
Nhìn chung, ở Đông Nam Á, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại tại nhóm 5 quốc gia gồm Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong khi các nước thành viên ASEAN còn lại đã khống chế và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Với việc có thêm Tajikistan và Comoros công bố các ca mắc COVID-19 đầu tiên, dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.038.160 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 50.962 người trong tình trạng nguy kịch và 2.030.223 đang phải điều trị tích cực.
Trong vòng 1 ngày qua, Mỹ và Anh là hai quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì COVID-19 nhất thế giới. Trong khi tình hình dịch tại các nước khác như Tây Ban Nha, Italy, Pháp, hay Đức đã qua đỉnh dịch và đang có xu hướng giảm đều, thì Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca dương tính và tử vong vì virus SARS-CoV-2 ở mức rất cao.
Mỹ ghi nhận 2.146 người tử vong và 29.530 ca mắc bệnh trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp tử vong và thiệt mạng vì dịch COVID-19 tại nước này lên lần lượt 63.801 và 1.093.724.
Bang New York vẫn là tâm dịch của Mỹ, song các số liệu mới nhất cho thấy số ca mắc bệnh mới và tử vong đang có chiều hướng chững lại. New York đã ghi nhận 306 ca tử vong trong ngày - mức thấp nhất tại bang này trong vòng 1 tháng qua, trong khi số bệnh nhân nhập viện cũng tiếp tục giảm xuống sau khi tăng nhẹ vào hôm trước đó. Tổng số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện ở New York hiện ở mức dưới 12.000 người, giảm khoảng 40% so với khoảng 19.000 bệnh nhân hồi giữa tháng 4.
Vương quốc Anh sau một thời gian ngắn duy trì số ca tử vong thấp, ngày 30/4, đã ghi nhận 674 trường hợp tử vong, nhiều thứ 2 thế giới trong vòng 1 ngày qua. Tới 6 giờ sáng 1/5, Anh đã có tổng cộng 26.771 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 và 171.253 ca mắc COVID-19, tăng 6.032 trường hợp so với một ngày trước đó. Như vậy, số người thiệt mạng vì dịch COVID-19 ở "xứ sở sương mù" hiện nhiều thứ hai châu Âu, chỉ sau Italy.
Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 30/4 đã ghi nhận 1.872 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này lên 205.463 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng thêm 285 trường hợp lên 27.967 người, tổng số ca hồi phục là 75.945 người - tăng 4.693 trường hợp.
Bộ Y tế Tây BanNha ngày 30/4 thông báo đã ghi nhận thêm 268 ca tử vong do COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 20/3 vừa qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 24.543 ca.
Tây Ban Nha hiện có số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 cao thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Italy và Anh. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này trong 24 giờ qua tăng 2.740 ca, nâng tổng số ca mắc lên mức 239.639 trường hợp.
Tính đến rạng sáng 1/5, số ca tử vong vì bệnh COVID-19 tại Pháp đã tăng thêm 289 trường hợp, lên tổng cộng 24.376 người. Trong vòng 24 giờ qua, Pháp ghi nhận 758 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 167.178 người.
Nga đang có nguy cơ trở thành một điểm nóng dịch COVID-19 mới ở châu Âu. Trong vòng 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới với 7.099 ca, chỉ đứng sau Mỹ. Tính tới sáng 1/5, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Nga đã lên tới 106.498 trường hợp, trong đó có 1.073 người tử vong, tăng 101 ca so với một ngày trước đó.
Trong cuộc gọi video với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, ông dương tính với SARS-CoV-2. Ông sẽ thực hiện chế độ tự cách ly và tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ theo quy định của Cơ quan giám sát, bảo vệ quyền lợi sức khoẻ người tiêu dùng liên bang Nga.
Tại Israel, người dân bắt buộc phải cài đặt ứng dụng theo dõi COVID-19 mới được vào các trung tâm mua sắm và chợ. Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel Moshe Bar Siman Tov cho biết các trung tâm mua sắm và các khu chợ sẽ chỉ được mở cửa trở lại sau khi các cơ quan chức năng triển khai hệ thống theo dõi giám sát tất cả khách hàng ra vào khu vực này.
Ngành du lịch châu Âu, trong đó có Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,... dự kiến năm nay lượng khách du lịch quốc tế sẽ sụt giảm mạnh do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo Oxford Economics, một thành viên khác của EU phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch là Hy Lạp, dự kiến lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 36%, tương đương 11 triệu khách.
Các nước Nam Âu khác cũng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề đối với ngành du lịch, dự kiến lượng khách du lịch quốc tế giảm 40% vào năm 2020, sau khi tăng trưởng 5% vào năm 2019.
Trang Nguyễn