Tại Đông Nam Á, dù tình hình có chiều hướng tốt lên song Singapore, Phillipines, Indonesia... vẫn nghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Trong 24h qua, tại Đông Nam Á đã có thêm 1.087 ca nhiễm mới và 26 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong của khu vực lên 59.748 và 1.909.
Tính đến 6 giờ ngày 12/5, Việt Nam tiếp tục có 12 giờ không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, đã 26 ngày nay Việt Nam cũng không ghi nhận ca mắc lây nhiễm trong cộng đồng, giữ nguyên tổng số 288 trường hợp. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 11.929 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 329; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.432; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 5.168 trường hợp.Dịch bệnh toàn cầu
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết thêm 292 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 11.086 người. Quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 7 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 726 người. Trong khi đó, bộ trên thông báo thêm 75 bệnh nhân bình phục và xuất viện, nâng tổng số ca xuất viện tại Philippines lên thành 1.999 người.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cho biết nước này xác nhận thêm 70 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 6.726 ca. Số ca tử vong tại Malaysia tăng thêm 1 người lên 109 người. Trong khi đó, thêm 88 ca bình phục và xuất viện, nâng tổng số ca được chữa khỏi bệnh lên 5.113 ca, chiếm 76% tổng số ca mắc.
Bộ Y tế Singapore cũng thông báo nước này ghi nhận thêm 486 ca mắc, nâng tổng số ca mắc ở "đảo quốc sư tử" lên thành 23.822 người. Số ca mắc trong ngày ở mức thấp nhất trong một tuần, chủ yếu là do quy trình xét nghiệm chậm lại khi một trong những phòng thí nghiệm của Singapore đang kiểm tra thiết bị sau khi phát hiện 33 ca dương tính giả.
Ngày 11/5, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ khẩn cấp cho người dân để khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra. Để nhận tiền hỗ trợ bằng thẻ tín dụng hay thẻ tiền mặt, trước tiên người dân phải đăng ký bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc trang web của 9 công ty phát hành thẻ hỗ trợ đăng ký nhận tiền là Kookmin, Nonghyup, Lotte, BC, Samsung, Shinhan, Woori, Hana, và Hyundai. Tiếp đó, chủ các hộ gia đình phải đăng ký nhận hỗ trợ khẩn cấp. Tiền hỗ trợ sẽ được chuyển tới chủ thẻ hai ngày sau khi đăng ký. Đáng chú ý, thời hạn sử dụng tiền trợ cấp là tới ngày 31/8, sau ngày này số tiền chưa được sử dụng sẽ tự động mất đi. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc cũng giới hạn hình thức sử dụng tiền hỗ trợ khẩn cấp. Cụ thể, số tiền này không thể dùng để thanh toán trực tuyến hay mua sắm ở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, cửa hàng điện tử quy mô lớn, cũng như ở các quán rượu, trung tâm giải trí, chi phí dịch vụ công cộng, tiền bảo hiểm, phiếu mua hàng, vàng, bạc, phí giao thông, phí viễn thông.
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 11/5 cho biết thành phố Vũ Hán - thủ phủ tỉnh này và vốn là tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Trung Quốc - đã ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới trong tổng số 17 ca nhiễm mới công bố ngày 11/5. Trước đó, ngày 10/5, giới chức Hồ Bắc xác nhận 1 ca nhiễm mới tại Vũ Hán, ca đầu tiên tại đây trong hơn 1 tháng qua.
Theo Reuters, hiện Nga đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm virus corona, chỉ sau Mỹ và Tây Ban Nha. Thông tin này được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Nga Putin đưa ra cập nhật mới về diễn biến dịch Covid-19 tại nước này.
Với số ca nhiễm mới trong ngày tăng kỷ lục 11.656 trường hợp nên tổng số người mắc Covid-19 tại Nga tính đến 11/5 là 221.344. Hơn một nửa số trường hợp nhiễm mới và tử vong là xảy ra ở Moscow – tâm dịch ở Nga. Trung tâm ứng phó với dịch Covid-19 của Nga cho biết, có 94 trường hợp tử vong mới vì virus corona tại nước này, nâng tổng số người chết lên 2.009. Số ca tử vong ở Nga vì Covid-19 vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác.
Tại Chile, giới chức y tế nước này xác nhận thêm 1.197 ca nhiễm và 11 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.063 người và số ca tử vong lên 323 người.
Chính phủ Chile trước đó có kế hoạch cấp “hộ chiếu sức khỏe” cho những người được xác định đã bình phục sau khi mắc COVID-19, cho phép họ trở lại làm việc ngay lập tức. Tuy nhiên, phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich cho biết đã quyết định hoãn kế hoạch này. Chính phủ Chile dự đoán dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh trong tháng này, do đó đã kéo dài các biện pháp phong tỏa thêm ít nhất 1 tuần tại nhiều khu vực xung quanh thủ đô Santiago, nơi ghi nhận 70% số ca nhiễm trên cả nước.
Ngày 11/5, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về cả số ca bệnh COVID-19, với 1.384.033 ca (tăng 16.395 ca trong 24 giờ qua) lẫn số ca tử vong, 81.703 ca (tăng 916 ca).
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence tiếp tục có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong lúc ông vẫn đang cách ly bản thân với những người khác sau khi một nhân viên văn phòng Phó Tổng thống được xác nhận mắc bệnh.
Với số ca tử vong do mắc COVID-19 cao thứ năm thế giới, Pháp đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3 và bắt đầu các giải pháp từng bước nới lỏng hạn chế từ ngày 11/5. Tuy nhiên, giới chức y tế Pháp yêu cầu người dân hết sức thận trọng trong giai đoạn "chung sống cùng dịch bệnh", nhấn mạnh điều này có ý nghĩa quyết định đối với khả năng khống chế hẳn dịch COVID-19. Nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn còn rất lớn khi Cơ quan Y tế vùng Nouvelle-Aquitaine ở phía Tây Nam nước Pháp, một vùng được xếp vào nhóm ít nguy cơ, vừa xác nhận hai ổ dịch mới.
Pháp hiện ghi nhận 177.423 ca COVID-19, bao gồm 26.643 ca tử vong.
Ngày 11/5, Tây Ban Nha ghi nhận 123 ca tử vong do COVID-19, con số thấp nhất kể từ ngày 19/3, theo Bộ Y tế Tây Ban Nha. Tỉ lệ tử vong là 0,7%, cũng là tỉ lệ tử vong theo ngày thấp nhất trong vòng 7 tuần. Như vậy số ca tử vong cho đến nay là 26.744 trường hợp.
Theo Cơ quan Giám sát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), số người tử vong do dịch COVID-19 tại châu Âu tới nay là gần 150.000 người. Trong số các quốc gia châu Âu có số tử vong cao, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong tính trên 100.000 người, cao nhất châu Âu, 75,1/100.000 người. Bốn quốc gia châu Âu khác có chỉ số tử vong cao tính trên 100.000 dân là Tây Ban Nha (56,7), Italia (50,3) và Vương quốc Anh (47,50) và Pháp (39,30). Bốn nước này đều có dân số cao trong châu Âu và chiếm hơn 3/4 tổng số tử vong do COVID-19 tại lục địa già. Ngoài ra, bốn quốc gia là Luxembourg, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức nằm rất gần những vùng được coi là ô dịch lớn tại châu Âu, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất thấp. Các nước Phần Lan, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Romania, có tỷ lệ tử vọng thấp, khoảng từ 1 tới 5 trên 100.000 dân.
Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán khẳng định cơ sở này tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ nghiêm ngặt, đảm bảo không có khả năng virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ ra ngoài.
Theo SCMP, Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán bao gồm một phòng thí nghiệm cấp 4 - cấp độ an toàn sinh học cao nhất, và được ủy quyền để nghiên cứu các loại mầm bệnh nguy hiểm nhất như Ebola, virus Lassa Tây Phi và virus sốt xuất huyết Crimea-Congo.
“Chúng tôi áp dụng một loạt biện pháp cần thiết để đảm bảo không có bất cứ con virus nào có thể thoát khỏi phòng thí nghiệm”, Yuan Zhiming - Giám đốc Phòng thí nghiệm An toàn sinh học quốc gia Vũ Hán nói với tờ Công nghệ Nhật báo.
Trang Nguyễn