Châu Á

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 3.832.199 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 53.850 và 3.320.828 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước châu Âu và châu Á, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Trong khi tổng số ca mắc bệnh tại Mỹ Latinh đã vượt ngưỡng 1,5 triệu người.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 12/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.887 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.200 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Tình hình đang diễn biến nghiêm trọng, ngày một xấu đi ở Indonesia. Trong ngày, khu vực có 5 nước ghi nhận các ca mắc mới.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.245 người dân ở khu vực này, tăng 50 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 111.253 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 55.931 trường hợp.

Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 2.000 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines. Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. 

Như vậy, Việt Nam bước sang ngày thứ 57 không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tổng số người tiếp xúc gần với các ca COVID-19 và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) tại Việt Nam là 9.226.

Trong đó, số người cách ly tập trung tại bệnh viện là 159; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 8.722; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 345. Việt Nam có tổng cộng 192 ca nhiễm COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này, 321 trong số 332 bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam được công bố khỏi bệnh (chiếm 96,7% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam).

Châu Âu và các nước khác

Mỹ vẫn là tâm dịch thế giới với 2.088.364 ca nhiễm và 116.016 ca tử vong. Xếp sau đó là Brazil với 802.828 ca nhiễm và 40.920 ca tử vong và Nga với 502.436 ca nhiễm và 6.532 ca tử vong. Cho tới thời điểm sáng 12/6, có tới 13 quốc gia trên thế giới có số ca nhiễm từ trên 150.000 ca trở lên.

Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ đứng thứ hai thế giới sau Brazil về số ca tử vong vì COVID-19. Nước này ghi nhận thêm 21.963 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 886 ca tử vong trong ngày, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và thiệt mạng vì dịch bệnh ở nước này lên lần lượt 2.088.364 ca và 116.016 ca.

Số người chết do Covid-19 ở Mỹ có thể lên tới 200.000 trong tháng 9.Số người chết do Covid-19 ở Mỹ có thể lên tới 200.000 trong tháng 9

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngày 11/6 cho biết Mỹ sẽ không đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ngay cả khi COVID-19 đang bùng phát mạnh tại một số bang. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC, ông Mnuchin nêu rõ: “Chúng ta không thể đóng cửa nền kinh tế. Tôi cho rằng chúng ta đã nhận thấy việc đóng cửa nền kinh tế sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy”.

Người đứng đầu Viện y tế toàn cầu thuộc Đại học Harvard, Mỹ, vừa cảnh báo số người chết do Covid-19 ở Mỹ có thể lên tới 200.000 trong tháng 9.

Bộ Y tế Italy ngày 11/6 khẳng định, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang lây lan và các trường hợp mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng đang gia tăng. Do đó, người dân cần phải hết sức thận trọng khi hiện nay vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh.

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn phát biểu của Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết nước này đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về dịch bệnh COVID-19 như số ca hồi phục gia tăng, tốc độ lây nhiễm và số ca tử vong giảm, nhiều vùng đã có tỷ lệ lây nhiễm bằng 0...

Bộ trưởng Speranza đánh giá đây là những dấu hiệu đáng hoan nghênh nhưng chỉ là một phần của dịch bệnh, do đó người dân không thể ngừng cảnh giác.

Ông Speranza khẳng định dịch bệnh chưa kết thúc, vẫn còn các ổ dịch lây nhiễm, các trường hợp không biểu hiện triệu chứng vẫn chiếm tỷ lệ cao và virus chưa được kiểm soát. Do đó, các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt cần phải được triển khai ngay lập tức khi cần thiết.

Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này tính đến ngày 11/6 là 236.142 trường hợp, trong đó có 34.167 ca tử vong và 171.338 bệnh nhân đã hồi phục.

Kể từ nay đến ngày 1/7, toàn bộ gần 2.600 cư dân tại thị trấn Morbecque ở miền Bắc nước Pháp có thể được xét nghiệm COVID-19 miễn phí. Đây là điều chưa từng xảy ra tại Pháp kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Toàn bộ chi phí xét nghiệm (khoảng 25 euro cho mỗi trường hợp) sẽ do chính quyền địa phương chi trả. Thị trưởng Jérôme Darques đang tìm thêm nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương. Thị trưởng Darques cho biết ông đã có ý tưởng này từ lúc mới áp đặt lệnh phong tỏa, song đến lúc nới lỏng các biện pháp hạn chế mới thực hiện.

Mục đích của chiến dịch xét nghiệm này là để tìm kiếm những trường hợp mắc bệnh nhưng không xuất hiện triệu chứng. Dù tỷ lệ mắc bệnh không cao nhưng chính quyền thị trấn muốn tìm hiểu xem dịch bệnh COVID-19 lây lan như thế nào tại một thị trấn nhỏ như Morbecque. Hầu hết cư dân tại Morbecque đều hưởng ứng nhiệt liệt về kế hoạch này.

Cho đến nay, Pháp đã ghi nhận hơn 155.000 ca mắc bệnh COVID-19 với gần 30.000 người tử vong.

Brazil đang có xu thế thay Mỹ để trở thành tâm dịch mới của thế giới. Trong vòng 1 ngày qua, tính tới sáng 12/6 (theo giờ Việt Nam), xứ sở Samba ghi nhận 1.123 ca tử vong mới và 27.644 ca mắc bệnh, nhiều nhất thế giới.

Chính quyền bang Sao Paulo - bang đông dân nhất và là tâm dịch COVID-19 của nước này - đã cho phép các cửa hàng nối lại hoạt động kinh doanh, đồng thời "bật đèn xanh" cho các trung tâm thương mại chuẩn bị mở cửa trở lại.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nga ngày 11/6 cho biết nước này ghi nhận 8.779 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số lên 502.436 ca. Ngoài ra Nga cũng ghi nhận thêm 174 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 6.532 ca.

Trong khi đó, cung trong 24 giờ qua có thêm 8.357 người khỏi bệnh nâng tổng số ca bình phục lên 261.150 ca. Tính đến ngày 10/6, tổng cộng 321.923 người tại Nga đang được giám sát y tế, trong khi trên 13,8 triệu xét nghiệm đã được tiến hành trên cả nước.

Tại Kyrgyzstan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nurbolot Usenbaev cho biết nước này ngày 11/6 xác nhận thêm 36 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.129 ca. Ngoài ra, 58 ca khỏi bệnh trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca bình phục lên 1.630 ca. Tổng số ca tử vong vẫn là 26 ca. Trong số các ca nhiễm mới, 19 ca có tiếp xúc gần với người nhiễm, 13 ca không rõ nguồn lây và 4 ca từ nước ngoài.

Cùng ngày, Bộ Y tế Ukraine công bố số liệu cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới tại nước này trong vòng 24 giờ qua là 689 ca, mức cao nhất tính theo ngày kể từ khi Ukraine ghi nhận ca mắc đầu tiên.

Với số ca nhiễm mới trên, đến nay, Ukraine đã xác nhận tổng cộng 29.070 bệnh nhân COVID-19, trong đó 854 ca tử vong và 13.141 ca phục hồi.

Trang Nguyễn