6h ngày 14/5, Việt Nam sang ngày thứ 28 không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, số người nhiễm virus corona vẫn là 288.
Thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam có tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.719.
Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 324; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.254 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 6.141. Nước ta có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Đến thời điểm này, 252 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam được công bố khỏi bệnh/xuất viện, chiếm 88% tổng số ca đang điều trị. Hiện còn 36 bệnh nhân điều trị tại 6 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.nhiều ca nhiễm covid-19 trên thế giới đã khỏi bệnh
Tại châu Á, Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ hai. Ngày 13/5, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo 2 ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau 3 tuần không ghi nhận ca mắc mới.
Đáng chú ý, cả 2 ca này đều không liên quan đến những người ở nước ngoài về. Hiện chính quyền đang nỗ lực truy vết để tìm nguồn lây nhiễm của các ca bệnh mới. Việc phát hiện các ca nhiễm mới làm tăng quan ngại về nguy cơ tái bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng, trong bối cảnh Hong Kong đã mở cửa trở lại các quán bar, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim từ tuần trước.
Trong vòng 24 giờ tính tới sáng 14/5, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận 26 ca nhiễm trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực dập ổ dịch mới phát hiện liên quan tới các quán bar và câu lạc bộ ở Seoul. Đây cũng ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới nhiều hơn số ca hồi phục và vẫn ở mức hai con số, làm gia tăng những lo ngại về khả năng làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện tại quốc gia này.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 62.793 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.675 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.989 người dân ở khu vực này, tăng 44 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 19.093 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 689 ca; Philippines và Indonesia cùng ghi nhận số ca tử vong trong ngày là 21 trường hợp.
Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng cao nhất trong một ngày, với 1.997 ca và 353 ca tương ứng. Tỷ lệ tử vong tại nước này vẫn cao nhất châu Mỹ, với 10,2%, do trên 70% dân số có bệnh lý nền về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thừa cân và béo phì.
Cùng ngày, Saudi Arabia cho biết số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng thêm 1.905 người lên tổng cộng 44.830 trường hợp. Số bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ qua do COVID-19 cũng tăng 9 trường hợp lên 273 người. Trước đó, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia đã triển khai máy bay để hỗ trợ Bộ Y tế di chuyển những bệnh nhân nặng tới bệnh viện chuyên khoa để điều trị.
Tính đến tối 13/5, số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp là 27.074 người (tăng 83 ca trong 24 giờ), bao gồm 17.101 ca trong bệnh viện và 9.973 ca tại viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội khác.
Hiện 21.071 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 524 ca so với hôm trước), trong đó 2.428 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 114 ca). Bên cạnh đó, 58.673 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong với hơn 84.971 ca, tiếp đến là Anh với 33.186 ca và Italy với 31.106 ca. Hai quốc gia tiếp theo cũng là các nước châu Âu, gồm Tây Ban Nha (27.104 ca) và Pháp (27.074 ca).
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/5 xác nhận 1.639 ca mắc COVID-19 và 58 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 143.114 trường hợp và 3.952 người thiệt mạng. Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng triển khai xét nghiệm các du khách nước ngoài, trong bối cảnh quốc gia này đang lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế vào cuối tháng 5.
Châu Phi tới ngày 14/5 ghi nhận trên 73.400 ca mắc COVID-19 và 2.491 người thiệt mạng vì dịch bệnh này. Trong khi đó, châu Đại dương là khu vực chịu ảnh hưởng nhẹ nhất, khi mới chỉ có tổng cộng 8.581 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 119 ca tử vong.
Tại Italy, số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố cho thấy, trong ngày 13/5, quốc gia Nam Âu này ghi nhận 888 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 222.104 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 31.106 trường hợp (tăng 195 ca). Có 3.502 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 112.541 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 893 ca (giảm 59 ca).
Thượng viện Mỹ hôm 12-5 đề xuất một đạo luật cho phép Tổng thống Trump trừng phạt Trung Quốc nếu Bắc Kinh "không chịu trách nhiệm đầy đủ" về đại dịch Covid-19.
"Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về vai trò gây hại của họ trong đại dịch này", Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, một trong những người đề xuất "Đạo luật Trách nhiệm giải trình đại dịch Covid-19", tuyên bố.
"Việc họ lừa dối về nguồn gốc và mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 khiến thế giới phải trả giá bằng thời gian quý giá và nhiều mạng sống".
Đạo luật này sẽ cho Tổng thống Trump 60 ngày để trình quốc hội rằng Trung Quốc đã cung cấp thông tin đầy đủ hay chưa về đại dịch Covid-19? Từ đó tiến hành một cuộc điều tra có thể do Mỹ và các đồng minh dẫn dắt hoặc một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trang Nguyễn