Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 3.133.100, trong đó có 217.389 người tử vong. 

"Làn sóng lây nhiễm thứ hai" dịch COVID-19 là cảnh báo được nhắc tới nhiều vào thời điểm hiện nay khi các quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa - vốn được áp đặt nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Thực tế diễn biến lây nhiễm COVID-19 trên thế giới đã cho thấy hàng loạt yếu tố "bất thường": 1/3 số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc không có triệu chứng, được coi là nhóm người "mang bệnh thầm lặng"; gần 200 ca tái nhiễm ở Hàn Quốc chỉ sau một thời gian ngắn được xác định khỏi bệnh; xuất hiện rất nhiều những ca mắc COVID-19 có thời gian ủ bệnh rất lâu hoặc những ca không xác định được nguồn gốc lây nhiễm...

Những yếu tố này khiến mối lo ngại về "làn sóng lây nhiễm thứ hai" càng có cơ sở, nhất là sau "hồi chuông cảnh báo" từ Singapore, quốc gia từng được coi như "hình mẫu" chống dịch thành công giai đoạn đầu, hồi cuối tháng 1 đầu tháng 2 năm nay, sau một tháng đang trở thành "điểm nóng" dịch COVID-19 của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng."Làn sóng lây nhiễm thứ hai" dịch COVID-19 là cảnh báo đối với thế giới

Ngay cả ở những nước được đánh giá là kiểm soát dịch bệnh thành công như ViệtNam, với 270 ca mắc tính đến tối 28/4, trong đó 82% đã được điều trị khỏi (222 ca), không có ca tử vong và liên tiếp 12 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, song nhiều chuyên gia y tế cho rằng nguy cơ dịch vẫn tiềm ẩn, bởi tại Viêt Nam cũng xuất hiện các ca dương tính trở lại sau khi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Thực tế thì Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, trong đó mỗi giai đoạn đều xuất hiện những yếu tố gây nguy cơ mới đòi hỏi các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn.

Giai đoạn đầu, Việt Nam đã đạt được thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập với những biện pháp tích cực và mau lẹ kể từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên ngày 23/1, và chỉ sau 1 tháng, toàn bộ 16 ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau hơn 20 ngày không có ca bệnh mới, Việt Nam bước vào giai đoạn hai, từ ca xâm nhập lây sang người Việt Nam sau khi các ca bệnh 17 và 34 từ nước ngoài trở về nước.

Theo trang thống kê worldometers.info, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 1.249 ca mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 41.928, trong đó 1.477 ca tử vong.

Tại điểm nóng Singapore, số ca mắc COVID-19 đã có xu hướng giảm những ngày gần đây. Tổng số ca mắc ở Singapore tới nay là 14.951, vẫn cao nhất Đông Nam Á. Một số nước như Việt Nam, Campuchia, Lào, Brunei không ghi nhận ca mắc mới. Các ca mắc COVID-19 ở bốn nước này đều ở mức thấp, dưới 300 ca.

Trong 24 giờ qua, toàn khối chỉ có 32 ca tử vong. Các nước tới nay chưa ghi nhận ca tử vong nào vì COVID-19 là Việt Nam, Lào, CampuchiaTimor-Leste. Nước Đông Nam Á có nhiều ca tử vong nhất tới nay là Indonesia với 773 ca.

Tính tới chiều 28/04 (theo giờ Mỹ), Mỹ đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc Covid-19, bằng 1/3 tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới, gần 59.000 người đã tử vong.

Theo một phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng trong vài tuần tới nếu Mỹ không duy trì các biện pháp giãn cách xã hội. Theo trung tâm này, nếu các biện pháp tránh tiếp xúc xã hội được thực hiện nghiêm túc, số ca tử vong sẽ giảm mạnh trong vòng 4 tuần tới.

Theo một mô hình dự báo của Đại học Washington, số ca tử vong trên toàn quốc đến ngày 4/8 có thể vượt qua mốc 74.000 người. Trước đó, dự báo được công bố ngày 22/4 chỉ ước tính con số tử vong là hơn 67.600 người, theo giới chức Nhà Trắng.

Theo con số được nhà chức trách Anh công bố trong ngày 28/4, trong thời gian từ ngày 10-24/4, đã có 4.343 người Anh thiệt mạng vì dịch Covid-19 tại các nhà dưỡng lão.

Như vậy, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nước Anh đã có 5.386 ca tử vong tại các nhà dưỡng lão. Cộng thêm 21.678 ca tử vong trong hệ thống bệnh viện, trên thực tế nước Anh hiện đã có trên 27.000 người thiệt mạng vì Covid-19, cao hơn cả Italy, Tây Ban Nha và Pháp.

Trước sức ép từ việc phải công khai các số liệu, Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock cho biết từ ngày hôm nay, 29/4, Cơ quan y tế quốc gia Anh sẽ thống kê số ca tử vong vì Covid-19 tại các nhà dưỡng lão cũng như trong cộng đồng và thông báo hàng ngày, cùng với số liệu từ các bệnh viện.

Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 28/4 thông báo, Italy ghi nhận thêm 2.091 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 201.505 trường hợp. Cùng ngày, số ca tử vong tăng lên 27.359 trường hợp (tăng 382 ca) và số ca hồi phục là 68.941 người (tăng 2.317 người). Cơ quan Bảo vệ dân sự cũng cho biết Italy hiện có 19.723 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 1.863 ca, giảm 93 trường hợp.

Thông tin trong buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19 tại Đức trong ngày 28/04, Giáo sư Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh liên bang Đức, cho biết, tốc độ lây nhiễm của dịch Covid-19 tại nước này đang có chiều hướng gia tăng trở lại một cách đáng lo ngại.

Tuy nhiên, ông Lothar Wieler cũng ca ngợi rằng, nước Đức đã thắng trong cuộc chiến đầu tiên với đại dịch Covid-19. Tính đến hết ngày 28/4, theo số liệu do Viện Robert Koch công bố, Đức có 5.913 bệnh nhân tử vong trên tổng số trên 156.000 người nhiễm Covid-19, tỷ lệ thuộc nhóm thấp nhất tại châu Âu.

Bất chấp sự phản đối của lực lượng chính trị đối lập, đúng theo kế hoạch, chiều ngày thứ Ba (28/4), Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã trình bày trước Quốc hội bản kế hoạch cho quá trình dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc, dự kiến kể từ ngày 11/5. Ngay trong buổi chiều, Quốc hội nước này đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch, với 368 phiếu thuận và 100 phiếu chống. Tại Pháp, tính đến rạng sáng 29/4, số ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2 là 23.660 người (tăng 367 ca trong 24 giờ), trong đó có 14.810 người ở bệnh viện (tăng 313 ca) và 8.850 người ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 54 ca).

Tại Thụy, sau 6 tuần đóng cửa, từ ngày 27/4, các cửa hiệu chăm sóc sắc đẹp, trung tâm vui chơi giải trí và hệ thống cửa hàng DIY đã mở cửa đón khách. Tiếp đó, các trường học và cửa hàng (không bao gồm nhà hàng) sẽ được phép mở cửa từ ngày 11/5, trong khi trường cấp 2 và các trung tâm giải trí sẽ hoạt động trở lại từ ngày 8/6.

Bộ Y tế Tây BanNha cùng ngày thông báo nước này ghi nhận thêm 301 ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giảm 30 ca so với một ngày trước đó. Tính đến nay, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là 23.822, trong khi số người mắc bệnh là 232.128.

Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 6.411 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca mắc COVID cao kỷ lục. Như vậy, tính đến nay, số người mắc COVID-19 tại Nga là 93.558, trong đó có 867 người đã tử vong. Nga hiện đứng thứ 8 thế giới về số người mắc COVID-19.

Trang Nguyễn