Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 6.810.031 ca, trong đó có 396.950 người thiệt mạng.

Các nước cũng ghi nhận 3.311.756 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 53.498 và 3.101.325 ca đang điều trị tích cực.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ.

Tại Brazil tiếp tục một ngày ghi nhận tới 14.838 ca bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 630.708 trường hợp, bao gồm 34.625 ca tử vong (tăng thêm 586 ca trong 24 giờ qua). Nước này tiếp tục đứng thứ hai thế giới về số người nhiễm virus SARS-CoV-2 và đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong, chỉ sau Mỹ, Anh.

Chính phủ Peru tuyên bố kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch trong bối cảnh đã trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ 2 tại Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil. Quyết định trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Peru kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30/6. Tính tới thời điểm hiện tại, nước này đã ghi nhận tổng cộng 187.400 ca nhiễm và 5.162 ca tử vong.

Tại Chile, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 4.207 ca nhiễm mới và 92 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 122.499, bao gồm 1.448 ca tử vong.

Thống đốc bang New York cho biết bang từng là điểm nóng dịch của nước Mỹ đang chứng kiến số ca mắc bệnh thấp nhất trong nhiều tuần qua. Trong ngày 5/6, số ca tử vong tại bang New York là 42 trường hợp, so với 800 ca tử vong cách đây 8 tuần. Trên toàn nước Mỹ đến hiện tại ghi nhận 1.952.443 ca mắc bệnh, tăng 28.392 ca trong 24 giờ qua; số ca tử vong là 111.338, tăng 1.165 ca và số người hồi phục là 718.718 trường hợp.

Theo thống kê của cơ quan dịch tễ, đến hiện tại Argentina đã ghi nhận 21.037 ca nhiễm, trong đó có 632 ca tử vong. Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã thông báo quyết định kéo dài biện pháp cách ly xã hội bắt buộc thêm 3 tuần, tới ngày 28/6. Tổng thống Fernandez cho biết việc kéo dài biện pháp giãn cách xã hội là cần thiết vào thời điểm hiện tại, nhưng sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương để có thể từng bước nối lại các hoạt động thường nhật.

Ngày 5/6, Nga thông báo ghi nhận 8.276 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 449.834 ca và 5.528 ca tử vong, tăng 144 ca so với một ngày trước. Thủ đô Moskva, địa phương chịu tác động mạnh nhất trên cả nước, ghi nhận tổng cộng 191.069 ca mắc bệnh, trong đó có 1.855 ca mới trong 24 giờ qua. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ được dỡ bỏ trước ngày 1/7 tới.

Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết sẽ hạ mức phản ứng khẩn cấp y tế cộng đồng từ cấp 2 xuống cấp 3 khi thành phố tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm COVID-19 thấp. Theo đó, kể từ ngày 6/6, Bắc Kinh sẽ dỡ bỏ hạn chế vào thành phố đối với các cư dân tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch ban đầu, nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong khi đó, toàn bộ khách quốc tế tới Bắc Kinh sẽ phải làm xét nghiệm và cách ly theo dõi 14 ngày.

Các nước khu vực Nam Á gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh đang chứng kiến con số ca lây nhiễm bệnh tăng mạnh theo từng ngày. Ấn Độ tăng thêm 9.471 ca trong ngày 5/6, trong khi Pakistan cũng chứng kiến thêm 3.985 ca, Bangladesh 2.828 ca, nâng tổng số ca bệnh tại các nước này lên lần lượt là 236.184, 89.249 và 60.391.

Tại khu vực Đông Nam Á, lần đầu tiên sau gần 3 tháng qua, các đền thờ trên khắp thủ đô Jakarta của Indonesia đã mở cửa trở lại trong ngày 5/6, trong bối cảnh thành phố này dần nới lỏng lệnh phong tỏa một phần bất chấp số ca mắc bệnh COVID-19 tại đất nước có dân số chủ yếu theo đạo Hồi này tiếp tục tăng mạnh.

Indonesia là quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19, hiện đã ghi nhận 29.521 ca mắc bệnh, bao gồm 1.770 ca tử vong. Các đền thờ và các nơi thờ tự, cầu nguyện đã nối lại hoạt động sau khi Thống đốc Jakarta ngày 4/6 tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó các văn phòng, nhà hàng, trung tâm mua sắm và các địa điểm du lịch sẽ mở cửa trở lại trong những tuần tới. 

Người dân cầu nguyện tại đền thờ Al Azhar ở Jakarta, Indonesia ngày 5/6/2020.Người dân cầu nguyện tại đền thờ Al Azhar ở Jakarta, Indonesia ngày 5/6/2020.

Ngày 5/6, Singapore ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm mạnh so với một ngày trước đó, chỉ tăng 261 ca so với trên 500 ca trong ngày 4/6. Như vậy nước này hiện ghi nhận 37.183 ca bệnh, trong đó có 24 ca tử vong và 9.443 người đã hồi phục.

Philippines hiện ghi nhận tổng cộng 20.626 ca mắc COVID-19, trong đó 987 ca tử vong.

Châu Phi hiện ghi nhận 163.599 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 4.611 trường hợp tử vong và 70.894 người đã khỏi bệnh.

Ngày 5/6, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho sáng kiến Hợp tác đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm COVID-19 tại châu Phi (PACT), trong bối cảnh tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang ngày một gia tăng tại châu lục với 1,3 tỷ dân này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/6 đã thay đổi hướng dẫn về sử dụng khẩu trang phòng dịch COVID-19. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo rằng mọi người dân ở tuổi trên 60 hoặc có bệnh lý nền hãy đeo khẩu trang vải nếu không thể duy trì giãn cách xã hội. Trước đây, lưu ý tình trạng thiếu khẩu trang trên toàn cầu, WHO chỉ đề xuất các nhân viên y tế, người mắc COVID-19 và những người được họ chăm sóc mới cần đeo khẩu trang y tế.

Ngày 4/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh cần phải đảm bảo mọi người dân trên thế giới đều có thể tiếp cận với vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 một khi các nhà khoa học phát triển và điều chế thành công.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi các bên tham gia hội nghị cam kết tìm kiếm "những cách thức an toàn để tiếp tục đảm bảo các chương trình tiêm chủng vẫn diễn ra ngay cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời đảm bảo mọi loại vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 có thể đến với người dân."

 Trang Nguyễn